Chỉ tính riêng ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) trong mấy năm qua, khoảng 30ha diện tích trồng cây cao su hàng chục năm tuổi phải chặt bỏ.
Ghi nhận PV những ngày đầu tháng 1, tại các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Hồng (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), người dân, doanh nghiệp đốn hạ diện tích cây cao su được trồng từ 20-30 năm trước. Thân cây gỗ cao su được cắt thành khúc và bán lại cho các thương lái, đầu nậu thu mua.
Một số người dân tỏ ra tiếc nuối khi biết thông tin hàng chục ha cao su bị đốn hạ. Có ý kiến cho rằng giá mủ cao su xuống thấp đến rẻ mạt nên người dân xin phép đơn vị quản lý chặt hạ để chuyển đổi cây trồng.
Tuy nhiên, thực tế có phải là giá mủ cao su không ổn định, xuống thấp đến mức người dân phải đốn hạ cả hàng chục năm tuổi gắn bó ở vùng đất này trong sự tiếc nuối?
Anh H.V.T. người sinh sống, làm việc với các lâm trường trồng rừng, khai thác lâm sản ở đây, cho biết: “Giá mủ cao su nhiều năm nay vẫn không lên xuống quá mức so với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Việc người dân đốn hạ cây cao su là vì đã hết hạn khai thác, mủ cao su không còn cho lợi nhuận nhiều như trước nên nhiều diện tích cao su được cho phép cắt bỏ, bán gỗ...”.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên cà phê - cao su Nghệ An, cho biết có khoảng 30ha cao su được trồng từ năm 1993 ở khu vực huyện Nghĩa Đàn đã hết chu kỳ kinh doanh, không còn cho năng suất. Do đó, toàn bộ diện tích cây cao su này đã và sẽ được phá bỏ trồng mới.
“Diện tích đất cao su ở vùng đất tiềm năng thì sẽ được tái trồng trở lại hoặc cải tạo đất sau 1 năm trồng cây mía. Việc chặt bỏ cây cao su không liên quan đến thông tin giá cả xuống thấp. Đến bây giờ rất nhiều hộ dân vẫn rất mong muốn nhận đất để trồng cây cao su” - ông Tùng khẳng định.
Trong thời gian qua, diện tích cao su trên toàn huyện Nghĩa Đàn cắt bỏ do quá tuổi khai thác khoảng 30ha. Diện tích trồng mới loại cây này lên đến hàng trăm ha, trong đó năm 2021-2022 trồng mới hơn 10ha.
Cũng theo ông Tùng, trên toàn huyện Nghĩa Đàn đang có gần 1.900ha cao su, trong đó 1.400ha cao su đang ở thời kỳ cho phép khai thác có sản lượng ổn định và khoảng 500ha cao su được trồng gối đầu qua nhiều năm nay.
“Đối với cây cao su chu kỳ khai thác mủ từ 20-25 năm, nên tôi khẳng định diện tích cây cao su bà con cắt bỏ là đã hết chu kỳ khai thác. Thông thường cây cao su sẽ cho khai thác mủ sau khi trồng khoảng 6 năm tại địa phương” - ông Tùng chia sẻ.
Phó giám đốc doanh nghiệp này còn thông tin, trong vài năm trở lại đây, giá mủ cao su dao động hơn 7.000 đồng/kg lượng mủ 28% (mủ nước theo quy chuẩn).
Tuy nhiên, giá mủ cao su năm 2021-2022 thấp hơn bình thường và năm 2023 thị trường có nhích dần lên.
Nhận xét
Đăng nhận xét