Từ trung tâm thủ đô Tokyo, đi tàu hỏa chưa tới một giờ sẽ gặp một tòa nhà có một không hai tại Nhật Bản - tòa nhà cao tầng màu vàng, có khung hoàn toàn bằng gỗ - tọa lạc trên một con đường hẹp với hàng cây trồng hai bên, san sát cửa hàng tiện lợi, quán ăn…
Vươn cao vững chãi, tòa nhà là nét chấm phá nổi bật của cả khu dân cư buồn tẻ xây bằng bê-tông, thép và gạch. Tòa nhà có tên Port Plus, đặt theo tên của cảng Yokohama - một trong những cảng thương mại đầu tiên của Nhật Bản mở cửa buôn bán với nước ngoài vào năm 1859. Port Plus là một cơ sở giáo dục - đào tạo ở TP Yokohama, phía Nam Tokyo, do Công ty Obayashi thi công, mới hoàn thành vào năm ngoái.
Theo hãng tin Bloomberg, Obayashi là công ty xây dựng nổi danh của Nhật Bản được thành lập vào năm 1892 và đã thi công một số công trình mang tính biểu tượng bậc nhất của đất nước, bao gồm nhà ga Trung tâm Tokyo (xây năm 1914) và Nhà thi đấu số 2 của Sân vận động quốc gia Yoyogi (hoàn thành vào những năm 1960). Nhưng Port Plus có thể là công trình tham vọng nhất của Obayashi. Nên vóc nên hình chủ yếu nhờ 540 khớp chéo gỗ có kích thước tới 2,8 m bề rộng và 4 m bề cao, Port Plus là câu trả lời cho những công trình muốn né các loại vật liệu xây dựng "đậm đặc" carbon như thép và xi-măng, đồng thời mở ra hướng đi mới cho xây dựng bằng gỗ khối.
Ông Shinji Yamasaki, kỹ sư chính của bộ phận xây dựng bằng gỗ của Obayashi, nhấn mạnh công ty kiên quyết với hướng đi này và đang tích cực liên kết với các đối tác trong ngành lâm nghiệp. Hàng thế kỷ qua, gỗ luôn đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng đền chùa, nhà cửa và nơi làm việc ở Nhật Bản. Port Plus càng không cô đơn trên con đường mình chọn, bởi trên toàn cầu đang chứng kiến sự trở về với gỗ - một trong những vật liệu xây dựng lâu đời nhất - nhằm giảm bớt tác động lên khí hậu của các công trình (vốn chiếm gần 1/3 tổng lượng phát thải toàn cầu). Obayashi ước tính việc xây dựng Port Plus tạo ra khoảng 2.500 tấn CO2, thấp hơn so với 4.200 tấn khí thải nếu tòa nhà làm bằng thép hoặc 8.600 tấn nếu làm bằng bê-tông.
Các kiến trúc sư và nhà thầu đang dùng gỗ xây dựng mọi thứ từ nhà chọc trời đến tua-bin gió. Cuộc chuyển mình này được tăng tốc nhờ các sản phẩm gỗ kỹ thuật mới, như gỗ ép chéo (CLT) và ván ép đồng hướng (LVL)… CLT được nhiều người đánh giá có thể thay thế bê-tông trong tương lai, còn LVL dùng trong hệ thống khung dầm của nhà cao tầng. Gỗ khối càng được ưa chuộng sau nhiều thử nghiệm chứng tỏ khả năng chống chịu thảm họa của nó. Tháng 5 năm ngoái, các kỹ sư ở bang California - Mỹ đã thử nghiệm sức chịu đựng của một tòa nhà gỗ 10 tầng trước hàng loạt trận động đất mô phỏng. Kết quả, tòa nhà "sống sót" qua động đất cấp độ 7,7 mà không gặp bất cứ tổn hại cấu trúc nào. Về mối lo hỏa hoạn, các cuộc thử nghiệm trong một phòng nghiên cứu liên bang của Mỹ vào năm 2017 chỉ ra rằng khi bị cháy, gỗ tạo thành một lớp than bọc ngoài làm chậm ngọn lửa và bảo vệ phần lõi gỗ.
Hẳn nhiên, xây dựng bằng gỗ khối cũng phải "trả giá". Theo Công ty Obayashi, chi phí xây những tòa nhà như Port Plus thường đội thêm khoảng 30%-40% so với xây bằng thép. Tuy nhiên, khách hàng tại Nhật Bản ngày càng quan tâm đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của nước mình, nhờ đó Obayashi nhận được 5 đơn hàng xây nhà cao tầng bằng gỗ khối vào năm ngoái. Ngành công nghiệp gỗ khối Nhật Bản cũng hưởng lợi. Trong số 1.900 m3 gỗ dùng để xây Port Plus, có khoảng 92% xuất xứ trong nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét