Gỗ công nghiệp Việt Nam vốn đã được người tiêu dùng trong nước và thế giới lựa chọn. Xu thế thị trường hiện nay đòi hỏi các sản phẩm gỗ công nghiệp phải đáp ứng tiêu chí an toàn cho môi trường và cuộc sống.
Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm nội thất gỗ công nghiệp không đạt chuẩn an toàn sẽ có nguy cơ mất thị trường nội địa và quốc tế.
Đảm bảo quy chuẩn của Thông tư 04 BXD từ 1/1/2024
Tại thị trường trong nước, sản phẩm gỗ công nghiệp phải đảm bảo Thông tư 04/2023/TT-BXD vừa có hiệu lực từ 1/1/2024. Theo đó, Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng, trong đó quy định hàm lượng phát thải chất formaldehyde trong gỗ nhân tạo (còn gọi là gỗ công nghiệp).
Cụ thể, hàm lượng formaldehyde phát tán đối với phân loại E1 không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 9 mg/100g; còn đối với phân loại E2 thì hàm lượng formaldehyde không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 30 mg/100g. Tương tự, với sản phẩm gỗ công nghiệp ván dăm hàm lượng formaldehyde phát tán không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc 0,7 mg/l, hoặc 8 mg/100g.
Formaldehyde là chất hoá học được sử dụng trong gỗ công nghiệp nhằm tăng độ kết dính và đàn hồi cho sản phẩm. Chất này sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ người sử dụng và môi trường nếu sử dụng vượt ngưỡng cho phép.
Khi lưu thông trên thị trường, đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phải có giấy chứng nhận hợp quy. Đây là 2 tiêu chuẩn cơ bản nhất mà người tiêu dùng cần quan tâm khi lựa chọn các sản phẩm công nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế thì thị trường gỗ công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá còn "vàng thau lẫn lộn". Đặc biệt bối cảnh cận Tết, lợi dụng khe hở từ tâm lý chuộng giá rẻ, nhiều đơn vị càng có cơ hội đẩy hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn sức khoẻ ra thị trường. Thông tư 04 BXD sẽ góp phần tích cực minh bạch thị trường trong nước, thanh lọc các doanh nghiệp sản xuất không chú trọng sức khoẻ người dùng.
Nguy cơ doanh nghiệp Việt mất thị trường xuất khẩu?
Cùng với những quy định, yêu cầu của thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt đã – đang đối mặt với nguy cơ mất thị trường xuất khẩu nếu sản phẩm gỗ công nghiệp không đảm bảo chất lượng.
Ngoài 3 yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm khi chọn mua ván – sàn gỗ công nghiệp là giá thành, mẫu mã, độ bền thì một yếu tố rất quan trọng được đưa lên hàng đầu chính là an toàn sức khoẻ.
Thực tế, thị trường nước ngoài đã đưa ra những quy định, quy chuẩn khắt khe đối với các dòng sản phẩm gỗ công nghiệp từ lâu. Minh chứng, các nước châu Âu đã áp dụng tiêu chuẩn E0, E1 từ lâu. Hay tại Mỹ - thị trường được đánh giá là khó tính nhất, muốn xuất khẩu ván công nghiệp nói chung và ván sàn nói riêng vào thị trường này, nhà sản xuất Việt phải đạt được giấy chứng nhận CARB P2/ EPA.
Sau khi áp dụng tại Mỹ, quy chuẩn này còn được thừa nhận và áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến khác với mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh 3 tiêu chuẩn trên, thị trường lớn đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Điển hình như thị trường châu Âu đưa ra yêu cầu tuân thủ quy định về chống phá rừng. Trong khi đó, Nhật Bản yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững; hay như Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
Như vậy, thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Nên dù muốn hay không, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh.
Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể. Vì thế, nếu các doanh nghiệp thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh, đáng kể đến là Tập đoàn KES.
KES là đơn vị tiên phong xây dựng hệ sinh thái sản xuất khép kín từ ván thô đến in – nhúng – dán phủ và các sản phẩm phụ trợ khác. Đồng thời, đây cũng là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên áp dụng và đạt chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…
Tổ Quốc
Nhận xét
Đăng nhận xét