Làng A Lao nằm dưới chân núi Lơ Pang, thuộc xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Nhiều năm trở lại đây, ngoài màu xanh của lúa, ngô, trên những khu vườn, rẫy của người dân, nơi đây còn được bao phủ bởi màu xanh của cây trắc, một loài gỗ quý. Việc bảo tồn, phát triển rừng gỗ trắc không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho người dân mà còn góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho loài cây này.
Hàng chục năm trước, núi Lơ Pang là vùng đất có rất nhiều cây gỗ trắc. Người dân chặt lấy gỗ để bán, để làm nhà và để lấy đất sản xuất, chỉ một thời gian ngắn cả rừng trắc lớn bị đốn sạch. Giờ đây, từ gốc cây cũ, những cây trắc non cũng mọc lên. Người dân làng A Lao nhận thấy được giá trị của loài gỗ quý này nên luôn dành phần lớn thời gian để bảo vệ và chăm sóc. Với họ, vườn gỗ trắc bây giờ là tài sản giá trị nhất, là của để dành cho con cháu sau này.
Video: https://www.quochoitv.vn/nguoi-ba-na-bao-ton-rung-go-trac-quy-hiem-206555.htm
Diện tích gỗ trắc tại đây liên tục gia tăng vì bên cạnh khả năng tái sinh đặc biệt của loài gỗ này, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ loại cây rừng quý. Thấy được tiềm năng cũng như nguy cơ rừng gỗ trắc sẽ biến mất thêm một lần nữa, những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực tìm giải pháp bảo vệ.
Với hàng chục héc ta trắc đang ngày một sinh sôi, phát triển, người dân làng A Lao đang sở hữu một khối tài sản lớn. Việc cả cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát triển cây rừng cũng khiến họ có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng.
Không chỉ riêng làng A Lao mà tại tỉnh Gia Lai còn có rất nhiều quần thể cây trắc được phân bổ rải rác trong các vườn rẫy của những hộ gia đình người Ba Na. Với ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sinh thái, cộng đồng người Ba Na tại đây đang đoàn kết bảo vệ giống gỗ quý này ngày một sinh sôi, vươn mình phát triển, gìn giữ cho thế hệ con cháu mai sau.
Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!
Nhận xét
Đăng nhận xét