Bước sang năm 2024, hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam nói chung, Thanh Hoá nói riêng tiếp tục đối diện với tình trạng thị trường, đơn hàng sụt giảm mạnh. Trong khó khăn, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Thanh Hoá đang nỗ lực cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, giảm giá thành và linh hoạt tìm kiếm các thị trường mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đề ra.
Nếu như trước đây, doanh nghiệp này tập trung sản xuất các sản phẩm ván phủ phim và ván bóc là chủ yếu, thì hiện nay đã chuyển hướng sang sản xuất dăm giấy xuất khẩu.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, đơn vị cũng đang nghiên cứu đánh giá lại thị trường, đa dạng sản phẩm, để từ đó kết nối thêm các đơn hàng, mở thị trường mới, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Đăng Vang, Giám đốc Công ty Chế biến lâm sản Đại Phát, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Xuất khẩu gỗ đến thời điểm hiện tại là rất tốt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quy mô thu mô nguyên liệu vào sản xuất,ngoài ra tập trung lắp thêm dây chuyền mới và định hướng sản xuất mới và mở thị trường".
Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang sản xuất các mặt hàng như dăm gỗ, dăm giấy hay viên nén năng lượng để xuất khẩu đang là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp ngành gỗ Thanh Hoá thực hiện trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành để duy trì các thị trường khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc. Tập trung chuẩn hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất xanh để khai thác thêm đơn hàng từ các thị trường mới như khu vực châu Á, Trung Đông.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hiện tại ở Thanh Hoá có hơn 200 cơ sở chế biến gỗ, cái quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải xây dụng được chuỗi giá trị, bao gồm liên kết những cơ sở chế biến gỗ hiện có và xây dựng những đầu mối chế biến gỗ lớn, đặc biệt đơn hàng ngành gỗ tinh chế, tủ bếp, trang trí, nội thất, ván ép để phục vụ xuất khẩu, từ đó mới có thể mang lại giá trị tối đa cho ngành gỗ ở Thanh Hoá".
Theo số liệu thống kê, tháng 1 năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tăng 3,99% so với tháng trước. Điều này cho thấy ngành gỗ đang có những dấu hiệu phục hồi khả quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, lượng đơn hàng vẫn sụt giảm từ 25 - 30% so với cùng kỳ các năm trước.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, những khó khăn của ngành gỗ tiếp tục kéo dài trong cả năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm và nhiều quốc gia đang thắt chặt phòng vệ thương mại để bảo hộ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ Thanh Hoá cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp trong từng thời điểm.
Nhận xét
Đăng nhận xét