Làng A Lao, nằm dưới chân núi Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) là nơi còn lưu giữ được rừng gỗ trắc - một loài gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nhiều năm qua, người dân nơi đây đã nỗ lực chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ trắc như một tài sản quý giá, một nguồn gen quan trọng để lại cho con cháu đời sau.
Ông Yok, Trưởng làng A Lao cho biết: Ngày trước, Lơ Pang từng là vùng đất của cây gỗ trắc nhưng đến nay chúng đã bị khai thác kiệt quệ, đe dọa đến sự tồn vong của loài cây này. Thấy cây trắc có giá trị kinh tế cao và ý thức được việc lưu giữ nguồn gen quý, bà con ở đây quyết tâm bảo vệ. Họ chăm sóc những gốc cây cũ đã bị khai thác để những chồi trắc non mọc lên. Ngoài ra, bà con còn trồng thêm nhiều cây trắc mới, tạo ra những vườn gỗ trắc rộng lớn. Hiện diện tích gỗ trắc tại làng A Lao đã rộng hàng chục ha và vẫn đang được mở rộng.
Theo ông Yok, ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, người dân làng A Lao luôn dành phần lớn thời gian để bảo vệ, chăm sóc vườn gỗ trắc của mình. Với họ, vườn gỗ trắc bây giờ là tài sản có giá trị nhất và là của để dành cho con cháu đời sau hưởng lợi.
Trải qua hàng chục năm gìn giữ, giờ đây, những vườn cây gỗ trắc của dân làng A Lao đã lên đến hàng chục ha. Đặc biệt, diện tích này vẫn tiếp tục gia tăng vì bên cạnh khả năng tái sinh, người dân ở đây đã ý thức hơn trong việc bảo tồn nguồn gen của loại cây rừng quý hiếm. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của cây gỗ trắc, những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực tìm giải pháp bảo vệ.
Ông Đinh Kăi, Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang chia sẻ, chính quyền địa phương thường xuyên kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ nguồn quỹ và hướng dẫn thêm về kỹ thuật chăm sóc, để người dân bảo tồn nguồn gen quý của cây trắc.
Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết, đơn vị tiến hành khảo sát, vẽ sơ đồ để bảo tồn nguồn gen; tổ chức tuyên truyền đến các hộ gia đình trồng cây trắc trên địa bàn cùng ký cam kết bảo vệ. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm còn cắt cử lực lượng phối hợp cùng chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, từ đó đạt được hiệu quả cao. Hy vọng rằng, rừng trắc sẽ ngày càng phát triển tạo sinh kế ổn định cho người dân và tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Với hàng chục ha cây gỗ trắc ngày một sinh sôi, phát triển, người dân làng A Lao đang sở hữu một khối tài sản lớn. Việc làm của đồng bào rất đáng quý, không chỉ tham gia bảo tồn một giống gỗ quý đang cạn kiệt mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo vệ môi trường.
Nhận xét
Đăng nhận xét