Tại Bình Dương, ngành chế biến gỗ và dệt may đóng góp rất lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh và tạo hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động. Vừa qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn duy trì thưởng Tết để động viên và giúp người lao động có một cái Tết đủ đầy, ấm cúng.
Doanh nghiệp chế biến gỗ và dệt may còn gặp nhiều khó khăn
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, năm 2023, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến gỗ chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm từ 7-16% so với năm trước. Trong khi đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may chỉ đạt trên dưới 70% kế hoạch.
Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (sản xuất sợi, Dĩ An, Bình Dương) - cho biết, công ty bị thiếu đơn hàng trong 6 tháng năm 2022, năm 2023, công ty vẫn đối diện nhiều khó khăn.
“Theo tôi dự kiến phải hết quý I/2024 thì ngành dệt may mới bắt đầu khởi sắc” - ông Trần Ngọc Vinh nhận định.
Một khó khăn khác các doanh nghiệp đang gặp phải, đó là thiếu lao động.
Bà Nguyễn Thị Tường Vy - Trưởng Khối hành chính nhân sự Công ty Cổ phần Tekcom (sản xuất đồ gỗ thành phố Tân Uyên, Bình Dương) - cho biết, thời gian vừa qua đơn hàng của doanh nghiệp không đều. Thời điểm này công ty có đơn hàng nhưng không tuyển dụng được.
Cố gắng thưởng Tết cho người lao động
Theo ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, những năm làm ăn có lãi, doanh nghiệp thưởng Tết 4 tháng lương, nay dù thua lỗ nhưng công ty vẫn giữ mức thưởng 2 tháng lương cho công nhân.
Ông Lê Văn Biền - Chủ tịch Công đoàn Công ty Response Việt Nam (sản xuất đồ gỗ, Tân Uyên, Bình Dương) - cho biết, trong thời gian vừa qua, Công đoàn cơ sở đã cùng với công ty để có những chính sách, chiến lược vượt qua giai đoạn đơn hàng bị giảm sâu. Dù khó công ty vẫn thưởng lương tháng 13 và tặng quà cho hơn 400 công nhân.
“Chủ trương của công đoàn và ban giám đốc là ưu tiên số 1 về mặt chế độ của công nhân. Tết này chúng tôi đã giải quyết tất cả chế độ tiền thưởng, tiền lương đúng ngày và các chế độ liên quan để mọi người có thể đón Tết ấm cúng. Những trường hợp khó khăn ban giám đốc có phần trợ cấp thêm” - ông Lê Văn Biền cho biết.
Thưởng Tết Âm lịch trung bình 7 triệu đồng
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, có 1.267 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 383.000 lao động dự kiến thưởng Tết Nguyên đán, mức bình quân là 7,1 triệu đồng, thấp nhất là 4,68 triệu đồng. Có 561 doanh nghiệp trong nước với khoảng 58.000 lao động dự kiến thưởng Tết bình quân là 6,7 triệu đồng, thấp nhất là 4,68 triệu đồng.
Bình Phước 119.000 đoàn viên, người lao động đều có quà Tết
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Phước, năm nay, các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp để “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết của đoàn viên với giá ưu đãi, đảm bảo chất lượng.
Với những lao động nhiều năm chưa về quê dịp Tết sẽ bố trí phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, vé xe, máy bay về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, đảm bảo an toàn, thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Phước - cho biết, dự kiến Tết Giáp Thìn 2024 các cấp công đoàn đều có phần quà Tết cho hơn 119.000 đoàn viên, người lao động với mức từ 150.000 - 500.000 đồng/người. Riêng cấp tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho khoảng 11.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức bình quân khoảng 500.000 đồng/người (khoảng 5,5 tỉ đồng).
Nhận xét
Đăng nhận xét