Lamdongtv.vn - Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, EU cấm nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam nếu được sản xuất trên đất phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Tất cả 100% các sản phẩm nông nghiệp vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám. Như vậy, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn. Quy định này hướng tới mục tiêu giảm tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, phát thải khí nhà kính và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu.
Trước Quy định chống phá rừng Châu Âu, người dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê và cơ quan chức năng huyện Di Linh nhanh nhạy nắm bắt thông tin, bắt tay thực hiện đúng quy trình đạt chuẩn.
Gia đình ông Vũ Văn Trọng ở thôn Hàng Hải, xã Gung Ré huyện Di Linh đang canh tác ổn định 2 ha cà phê giáp ranh với rừng. Khu vườn này gia đình Ông đầu tư, phát triển kể từ năm 1990 và mỗi năm thu hoạch khoảng gần 8-9 tấn nhân. Ông Trọng cho biết, vì thị trường Châu Âu có quy định không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng nên gia đình không phát triển, mở rộng trên diện tích trồng cà phê có nguồn gốc lấn chiếm, phá rừng.
Tương tự, gia đình anh Vũ Văn Bật cũng có 3 ha cà phê tiếp giáp với rừng, nhờ nắm bắt thông tin về Quy định Chống phá rừng châu Âu qua các phương tiện truyền thông và được chính quyền địa phương xã Gung Ré tuyên truyền nên gia đình anh đã tuân thủ đúng Quy định trong canh tác, chế biến để tránh rủi ro về sau.
Quy định Chống phá rừng châu Âu sẽ được áp dụng vào tháng 12/2024. Trong các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này, cà phê là mặt hàng nông sản sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi Quy định này được áp dụng.
Toàn xã Gung Ré, huyện Di Linh hiện có trên 2.116 ha cà phê, trong đó diện tích canh tác của địa phương 1.622 ha, còn 494 ha cà phê là của các hộ dân tại các địa phương khác đến xâm canh. Trong 2.116 ha cà phê trên địa bàn xã Gung Ré có khoảng 10% diện tịch cà phê tiếp giáp với rừng. Trước Quy định chống phá rừng Châu Âu, chính quyền địa phương đã nắm bắt thông tin và tập trung tuyên tuyền đến người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của thị trường Châu Âu. Đồng thời địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê với các quy trình sản xuất chất lượng cao, sản xuất hữu cơ.
Sự chủ động thích ứng của bà con nông dân, doanh nghiệp ở huyện Di Linh trong viêc thực hiện Quy địnhChống phá rừng châu Âu là những yếu tố quan trọng để cho các ngành hàng xuất khẩu, nhất là cà phê của địa phương đáp ứng đủ các điều kiện của EUDR, từ đó thúc đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường này, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân./.
Hà Thiết
Trung tâm VHTT-TT Di Linh
Trung tâm VHTT-TT Di Linh
Nhận xét
Đăng nhận xét