Ngành gỗ có chịu tác động của CBAM hay không? Câu trả lời là ngành gỗ chịu tác động gián tiếp và buộc các doanh nghiệp phải thích ứng và chuyển đổi.
LTS: Buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là là xu thế không thể đảo ngược, đây cũng là cách để ngành gỗ Việt Nam xây dựng hình ảnh phát triển bền vững, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
CBAM và sự điểm tên gián tiếp với doanh nghiệp ngành gỗ
Sau hơn một năm loay hoay với câu hỏi doanh nghiệp ngành gỗ có hay không chịu tác động bởi quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU thì đến nay ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cũng đã tìm được câu trả lời nhưng lại thiếu lời giải.
Doanh nghiệp ngành gỗ có chịu tác động của CBAM? |
“Trước đó, chúng tôi cũng nghe nhiều thông tin về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhưng nghĩ nó không liên quan đến doanh nghiệp gỗ. Cách đây 2 tháng, chúng tôi mới bắt đầu khởi động. Các yêu cầu quốc gia và quốc tế về hàm lượng carbon trong sản phẩm gỗ, tôi cũng như các anh em doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, đo đếm kiểu gì, thiết bị ra sao. Tại Bình Dương, trong hai năm 2024 – 2025, chúng tôi cố gắng tìm một số nhà máy đã chuyển đổi số để làm mô hình chuyển đổi xanh và để từ đó nhân rộng”, ông Nguyễn Liêm cho biết.
Câu chuyện ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh, trong đó có nguyên nhân do chậm chuyển đổi xanh là bài học cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Ông Nguyễn Liêm chia sẻ và tỏ ra lo ngại nếu ngành gỗ không chịu thay đổi, không chịu nhanh chân trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thì sẽ chịu số phận tương tự với ngành dệt may.
“Đây là vấn đề sống còn của ngành gỗ. Các doanh nghiệp cũng mong muốn có những hoạt động tư vấn cụ thể từ phía cơ quan chức năng để cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ cùng đồng hành trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Nguyễn Liêm nói.
Trong nhóm gỗ dán, ông Trịnh Xuân Dương – Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - Phó Chủ tịch Chi hội gỗ dán cho biết, thị trường gỗ dán chính của Việt Nam là Đông Nam Á, số lượng doanh nghiệp gỗ dán xuất khẩu vào thị trường EU rất nhỏ nên nguồn thông tin không có.
Bản thân doanh nghiệp ngành gỗ dán cũng rất muốn xuất khẩu sang thị trường EU. Một số doanh nghiệp cũng đã có định hướng chuyển sang sử dụng nguồn gỗ có chứng chỉ FSC, tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu có chứng chỉ FSC đang là vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Trong nhóm viên nén gỗ, ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài - Chi hội trưởng Chi hội viên nén gỗ Việt Nam - cho biết, là mặt hàng nhiên liệu đầu vào thay thế cho than nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải CO2 tại các nhà máy nhiệt điện nhưng chính bản thân các doanh nghiệp sản xuất viên nén cũng đối diện với nguy cơ phát sinh khí thải CO2 tại các nhà máy viên nén. Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, hiện các yêu cầu bắt buộc về giảm phát thải carbon mới diễn ra tại thị trường EU. Tuy nhiên, với các thị trường khác, ví dụ như thị trường Nhật Bản sắp tới có thể họ cũng đưa ra những yêu cầu tương tự. Nhật Bản là một trong số 2 thị trường trọng tâm của viên nén gỗ, do đó, đây là câu chuyện mà chúng ta phải quan tâm.
Theo ông Nguyễn Nam – Tổng giám đốc Klinova cho rằng, nếu xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của CBAM thì gỗ là mặt hàng chịu tác động gián tiếp.
Ông Nguyễn Nam phân tích, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn không quy định phát thải khí nhà kính theo dạng nhà máy cho các doanh nghiệp ngành gỗ.
Tuy nhiên, phạm vi của ngành lại liên quan đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo quy định, nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên sẽ phải kiểm kê khí nhà kính, hay nói cách khác là sẽ bị phân bổ hạn ngạch phát thải.
Như vậy, không chỉ có các doanh nghiệp nhiệt điện bị phân bổ hạn ngạch phát thải mà cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành gỗ đều có thể bị áp dụng hạn ngạch phát thải.
Sẽ không chỉ dừng ở con số 1.912 doanh nghiệp
Hiện, đang có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2022 về việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Danh sách này do Sở Công Thương các địa phương sẽ thống kê theo báo cáo năng lượng sử dụng của các doanh nghiệp. Danh sách này sẽ được cập nhật trong cuối năm 2023, hoặc đầu năm 2024 và rất có thể có các doanh nghiệp ngành gỗ.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) – nhận định, các yêu cầu quốc gia và quốc tế về hàm lượng carbon trong sản phẩm sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp, và ngành gỗ cũng không nằm ngoài những thách thức này.
Hiện đang có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 danh sách này sẽ được cập nhật theo hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp và dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 3.000 doanh nghiệp.
“Quy định CBAM của EU rất áp lực với ngành khác như: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Với ngành gỗ, dù có những cơ hội nhất định khi các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi nhu cầu sử dụng năng lượng truyền thống sang năng lượng sinh khối nhưng ngành gỗ cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nói.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU) là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. CBAM được ban hành trong bối cảnh EU đang tiến hành các kế hoạch để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Cơ chế này sẽ giúp làm cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu, nhằm ngăn chặn nguy cơ “rò rỉ carbon” trong trường hợp các doanh nghiệp EU chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon sang các quốc gia khác để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo. EU cũng tin rằng, một cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá carbon đồng thời sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU. |
Bài 2: Thích ứng để phát triển hay chấp nhận dừng cuộc chơi?
Nhận xét
Đăng nhận xét