Năm 2024, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, vượt 21% so với kết quả ước đạt của năm 2023.
Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 2023 là năm khó khăn với ngành Gỗ khi nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so năm 2022. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đạt mức xuất siêu ước đạt 12,199 tỷ USD.
Về mục tiêu của ngành trong năm 2024, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5-5,5%; trồng rừng tập trung 245.000 ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 17,5 tỷ USD... Dự báo, nếu kết quả kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu lâm sản sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đây là một mục tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang kéo dài và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Về tổng thể, ngành Gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023. Vì vậy, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành Gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Chia sẻ về những khó khăn trong năm 2024, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends) cho biết, khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ, gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu. Theo ông Tô Xuân Phúc, quy định không phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này. EUDR đưa ra 2 yêu cầu cốt lõi để các sản phẩm gỗ được lưu thông tại thị trường này là: không gây mất rừng và hợp pháp.
Thời gian qua, các doanh nghiệp tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ. Đồng thời, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, trong đó Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp.
"Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu. Theo EUDR, gỗ có chứng chỉ FLEGT nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp", ông Tô Xuân Phúc cho biết.
Năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn cacbon cho Quỹ Đối tác carbon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 - tương đương 51,5 triệu USD. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhận xét
Đăng nhận xét