Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã đối mặt với giá nguyên liệu, vận chuyển tăng, nhu cầu thị trường giảm sút. Những tháng cuối năm 2023 dự báo tiếp tục khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải vượt qua, nếu không muốn hụt hơi trước khi cán đích…
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần TAVICO (Đồng Nai). |
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong năm tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, các sản phẩm gỗ chế biến sâu đã giảm tới 38%. Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, bởi lạm phát vẫn còn ở mức cao, dẫn tới người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm cho biết, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp đang phải cắt giảm tới 60% công suất.
Trong khi thị trường xuất khẩu đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, những áp lực mới về chính sách cả trong và ngoài nước cũng đang gây ra những trở ngại đáng kể đối với các doanh nghiệp gỗ. Mới đây, VIFOREST đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, nhất là các doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như doanh nghiệp dăm, ván bóc, ván ép, viên nén đang đối mặt với việc hoàn thuế VAT.
Theo tính toán, lượng thuế VAT của hàng trăm doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số khoảng 1.000 tỷ đồng. Khó khăn trong khâu hoàn thuế đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.
Còn ở ngoài nước, ngày 19/4, Liên minh châu Âu (EU) - một thị trường lớn, tiềm năng, đã có quy định sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng.
Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31/12/2020 thì không được nhập khẩu vào EU.
Do đó, sản phẩm gỗ, bao gồm các đồ nội, ngoại thất, các loại ván công nghiệp… cũng là một mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này. Đó là khó khăn mới phát sinh. Đáng buồn là lại đến đúng lúc cả thế giới đang "thắt lưng, buộc bụng", hạn chế tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành gỗ kiến nghị, cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường chính và thị trường nhỏ để gia tăng doanh thu; đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất, giảm chi phí thủ tục vay vốn, tiếp cận vốn ưu đãi, cơ cấu thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ xấu... VIFOREST đã trao đổi cụ thể những chính sách mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp và đã phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan để đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy vậy, các nhà quản lý doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa trước biến động khó lường của thị trường thế giới nhằm khắc phục khó khăn, tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra, gây thiệt hại cho doanh nghiệp…
Nhận xét
Đăng nhận xét