(TN&MT) - Yên Bái là địa phương có thế mạnh từ rừng, phát triển trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả, giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, giúp điều hoà nguồn nước.
Hướng đi mới
Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi, có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX xác định, phải xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đưa Yên Bái trở thành một trong 3 khu công nghệ cao của cả nước theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tỉnh Yên Bái đã tập trung nguồn lực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy mô tập trung, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản.
Trước thực trạng quỹ đất dành cho phát triển lâm nghiệp không thể mở rộng, tỉnh Yên Bái chuyển hướng khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn. Đó được xác định là hướng đi mới giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Phát triển rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, hàng năm toàn tỉnh trồng mới và thay thế khoảng 15.000ha rừng các loại. Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt 500.000m3. Với mục tiêu đã xác định Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã sớm ban hành các chính sách, hỗ trợ người dân tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn.
Năm 2014, cụm từ “Chyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn” lần đầu tiên được đưa ra tại Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã lập kế hoạch, chỉ đạo cụ thể để phát triển rừng cây gỗ lớn. Qua đó, giai đoạn 2016 – 2019 triển khai chuyển hóa rừng gỗ lớn tại một số địa phương có thế mạnh về đât rừng như: Xã Y Can, Quy Mông, Minh Quân của huyện Trấn Yên và xã Tân Hương, Đại Đồng của huyện Yên Bình. Xây dựng mô hình rừng chuyển đổi rừng trồng gỗ như cây keo tai tượng, keo lai để 4- 5 năm đã khai thác sang trồng cây gỗ lớn với diện tích rà soát khoảng 2.400ha (để kéo dài năm hơn mới khai thác).
Theo ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: So với việc khai thác rừng trồng khi gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng để nuôi cây gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính của cây. Chỉ tính riêng với cây keo, khai thác ở năm thứ 5 – 6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, bóc lấy ván giá trị chỉ đạt khoảng 60 – 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 – 12 triệu đồng/ha/năm. Nhưng với diện tích đó khi chuyển sang thành rừng trồng gỗ lớn, cây từ 10 – 14 năm trồng mới khai thác, cây đều đạt đường kính khoảng 20cm trở lên, sản lượng gỗ đạt từ 180 – 220m3/ha. Lúc này gỗ được bán theo giá gỗ chế biến, gỗ xẻ với giá từ 1,6 – 2,4 triệu đồng/m3, tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/năm/ha.
Việc trồng rừng gỗ lớn vừa giảm chi phí so với rừng trồng gỗ nhỏ mà còn hạn chế được việc các doanh nghiệp thu mua ép giá, tạo được vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế sói mòn đất.
Nâng cao năng suất, phủ rộng rừng gỗ lớn
Để nâng cao chất lượng gỗ, tỉnh Yên Bái tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Trong đó quy định cụ thể với keo lai có quy mô trồng tập trung và cam kết khai thác sau 10 năm tuổi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến - Thôn An Hòa, xã Y Can, huyện Trấn Yên có trên 30ha rừng, khoảng hơn 10ha gia đình ông trồng keo còn lại là trồng quế. Nhờ quay vòng khai thác và tỉa cây, đồi cây của gia đình ông hàng năm đầu cho khai thác.
“Đối với đất trồng keo người dân chỉ 6-7 năm là khai thác, những năm gần đây gia đình tôi thường kéo dài chu kỳ từ 10 năm trở lên, khi khai thác gỗ lớn sẽ được giá hơn rất nhiều. Tại thời điểm này cây keo có giá trị khoảng 6 triệu đồng. Bình quân toàn khu rừng keo có chu vi khoảng 100cm/cây, trữ lượng trên 300m3/ha, có giá trị khoảng 450 triệu/ha. Nhờ trồng rừng mà gia đình có thể xây nhà, mua xe máy mới”, ông Chiến phấn khởi chia sẻ.
Có thể thấy, nếu chăm sóc rừng theo đúng quy trình và đặc biệt kéo dài chu kỳ phát triển của cây trên 10 năm, rừng đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp người dân phát triển kinh tế và thêm gắn bó với rừng.
Những cánh rừng gỗ lớn được hình thành từng bước mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con DTTS ở miền núi, hải đảo. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ con người trước thiên tai, bão lũ.
Nhận xét
Đăng nhận xét