Những năm gần đây, phong trào trồng cây, gây rừng đang phát triển mạnh mẽ nhiều địa bàn tại Gia Lai, đem đến niềm tin, hy vọng về những cánh rừng rộng lớn trong tương lai. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, màu xanh của rừng bị mất dần, nhiều nơi rừng chỉ còn… trên giấy.
Theo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Gia Lai cho biết, bên cạnh việc trồng cây được các cấp chính quyền và người dân quan tâm thì có một nghịch lý là tình trạng phá rừng, xâm thực, lấn chiếm đất rừng làm rẫy vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Điều này đặt ra bài toán cấp bách cho các ngành, các cấp, đó là làm sao để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc trồng và giữ rừng, để những cách rừng thêm xanh.
Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho thấy, thực trạng hiện nay diện tích rừng đang ngày suy giảm, nguyên nhân không chỉ đến từ những điều kiện khách quan như: cháy rừng, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, xói mòn và bồi lắng đất mà còn đến từ ý thức chủ quan của các cá nhân, cộng đồng.
Việc đẩy mạnh khai thác gỗ cũng như các tài nguyên rừng khác cho phát triển kinh tế và xuất khẩu cũng là nguyên nhân dẫn đến làm tăng tốc độ phá rừng.
Một số tồn tại làm suy giảm diện tích rừng như: kết quả phát triển rừng không đồng đều giữa địa phương, chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên có nơi tiếp tục bị suy giảm.
Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép còn diễn ra, tình trạng di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất sản xuất, dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy, gây ra áp lực rất lớn lên diện tích rừng và đất rừng.
Tại nhiều huyện, một bộ phận người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn, sống chủ yếu phụ thuộc vào các thu nhập từ rừng, nên tạo sức ép không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị chủ rừng còn hạn chế.
Thói quen sử dụng các đồ gia dụng có nguồn gốc từ gỗ tự nhiên, xem đó như một thú chơi, sự chạy đua của một bộ phận người dân, đã khiến cho nhiều diện tích rừng bị chặt hạ.
Để những cây thân gỗ trưởng thành, khép tán phải mất nhiều năm, trong khi hàng năm diện tích rừng bị mất lại tăng thêm. Ở nhiều nơi, diện tích rừng trồng mới và rừng bị mất đang tỉ lệ nghịch.
Ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Gia Lai - yêu cầu triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm lâm luật. Nhiệm vụ trồng mới 40.000 ha trong giai đoạn 2021-2025 và trồng mới 8.000 ha rừng trong năm 2023. Tăng cường công tác trồng rừng từ nguồn ngân sách hỗ trợ trong các năm qua để từng bước nâng cao và gắn trách nhiệm của từng thành viên đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Nhận xét
Đăng nhận xét