Những ngày qua, thông tin về việc rừng thông 30 năm trên núi Linh Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bị phá hàng chục ha đã gây xôn xao dư luận, người dân địa phương hết sức bất bình.
Rừng thông đối với bà con địa phương, rừng thông trên núi không chỉ là lá phổi xanh điều hòa không khí cho cả vùng, mà còn có vai trò giữ nguồn nước ngầm.
Thế nhưng, từ đầu năm 2022, hàng chục ha rừng thông bị phá để trồng cây ăn quả khiến nhiều người lo lắng cho môi trường sống của bà con.
Hình ảnh rừng thông bị phá lộ ra những mảng trọc lóc trên núi Linh Trường
Theo phản ánh của người dân, toàn bộ rừng thông trên núi Linh Trường (thuộc 2 xã Hoằng Yến và Hoằng Trường) có diện tích khoảng 400 ha, trước đây là rừng phòng hộ được trồng từ những năm 1989 - 1990 theo Dự án 661 và 327.
Từ năm 2017, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ này lại được chuyển sang rừng sản xuất. Kể từ đó, rừng thông trên núi Linh Trường bắt đầu bị khai thác gỗ, chuyển đổi mục đích khiến diện tích ngày một teo tóp.
Người dân địa phương cho hay, năm 2017, rừng thông được một người đàn ông ở nơi khác về thu mua mủ, sau đó mua lại diện tích rừng của nhiều hộ dân rồi mở đường lên núi, chặt hạ thông để trồng cây ăn quả.
“Để có được cánh rừng tốt như thế, phải mất hàng chục năm trồng, bảo vệ. Có thời điểm chính quyền xã huy động cả học sinh lên núi để trồng rừng, việc chặt hạ đi như thế thật đáng lo”, một người dân nói.
Theo ghi nhận, hiện nay trên núi Linh Trường, lộ ra diện tích lớn những mảng trọc lóc vì không còn rừng cây. Những cây thông đường kính từ 10-35cm bị đốn hạ. Thay vào đó, nhiều cây con như bưởi, dừa, dứa, dổi… mới được trồng trên một số diện tích.
Được biết, núi Linh Trường là dãy núi cao duy nhất nằm án ngữ phía Đông của huyện Hoằng Hóa với một bên giáp cửa Lạch Trường và một bên giáp biển, tạo nên hình cánh cung bao bọc làng mạc phía bên trong.
Theo tìm hiểu, đầu năm 2022, có 4 hộ dân xã Hoằng Trường có đơn gửi các cơ quan chức năng xin khai thác rừng thông (kèm theo đơn là phương án khai thác và trồng lại rừng) với tổng diện tích 68,4 ha.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý cho 4 hộ trên được khai thác gỗ rừng thông đã trồng theo như đơn đề nghị. Trong văn bản, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định khu vực rừng mà người dân đề nghị khai thác có nguồn gốc được trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (Dự án 661 và 327).
Đồng thời, theo sở này việc các hộ gia đình xây dựng phương án khai thác theo băng là phù hợp với thực tế, tạo các đường băng cản lửa phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng, vừa phát huy vai trò, chức năng phòng hộ của rừng ven biển trong việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Từ đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị các chủ rừng khai thác theo băng chặt, băng chừa (chiều rộng 20 m), phải đảm bảo mật độ cây thông còn lại ít nhất 600 cây/ha; yêu cầu chủ hộ không được tác động, làm biến dạng địa hình khu vực khai thác. Đồng thời, phải trồng ngay rừng trên các băng sau khi khai thác.
Chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa là thế, nhưng trên thực tế, hàng chục ha rừng thông được khai thác gần như trơ trọi, không theo quy định nào.
Trong khi, cây trồng mới thay thế trong phương án là cây dổi lấy hạt được trồng rất ít, chủ yếu là cây dừa, bưởi, mít… Đây đều không phải là cây thân gỗ và chức năng phòng hộ gần như không có.
Liên quan sự việc trên, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, sở đã nắm được sự việc và chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm vào cuộc kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình khai thác như thế nào. Nếu các hộ dân khai thác không đảm bảo như phương án đưa ra sẽ xử lý theo quy định, đồng thời phải trồng ngay lại rừng theo phương án khai thác, trồng cây thay thế.
Lương Diễn
Nhận xét
Đăng nhận xét