(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã có hơn 25.700 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, VFCS/PEFC góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, phát triển rừng bền vững.
Hiện nay, Hà Tĩnh có 359.784 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cùng với Sở NN&PTNT đã tích cực phối hợp với các địa phương nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai cấp chứng chỉ FSC, VFCS/PEFC cho các diện tích rừng đạt yêu cầu trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, doanh nghiệp cũng mời chuyên gia đến khảo sát, hướng dẫn; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng rừng, thực hiện quy trình chăm sóc, khai thác, tránh tàn phá môi trường, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của chứng chỉ FSC, VFCS/PEFC cho các chủ rừng, người dân.
Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia trồng rừng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng đạt các chứng chỉ phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, Hà Tĩnh đã có hơn 25.700 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, VFCS/PEFC.
Theo đánh giá, gỗ rừng được cấp chứng chỉ FSC, VFCS/PEFC có giá bán ra cao hơn rừng thường từ 10 - 15%, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với trước đây.
Đặc biệt, chứng chỉ FSC, VFCS/PEFC chính là “tấm vé thông hành” hỗ trợ thâm nhập vào thị trường quốc tế, nhất là các các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU)…
Ngoài ra, khi thực hiện phát triển rừng theo quy định, có sự quản lý rõ ràng, trữ lượng gỗ toàn tỉnh sẽ tăng lên (điều này đến từ việc người dân sẽ giữ cây đến 7 năm tuổi trở lên mới khai thác; các khu rừng được khai thác luân phiên để đảm bảo diện tích rừng đúng theo hướng dẫn); giúp cho chủ rừng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm với môi trường nói chung, quan tâm nhiều hơn đến sự bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh cảnh.
Hiện nay, nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thân thiện với môi trường ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng và giá trị sử dụng của sản phẩm ngày càng cao. Vì thế, Hà Tĩnh đang phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000 ha rừng được cấp các chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ tăng cường tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức về quản lý rừng bền vững, chính sách và quy định của quốc tế và Việt Nam về thực thi quản lý rừng bền vững…; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng cho các chủ rừng; tiếp tục củng cố các HTX lâm nghiệp bền vững...
VFCS/PEFC là viết tắt theo tên tiếng Anh của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (Vietnam Forest Certification Scheme). Đây là hệ thống chứng chỉ rừng được xây dựng theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được Tổ chức chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế PEFC công nhận vào tháng 10 năm 2020. FSC là tên viết tắt của Tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1993 (Forest Stewardship Council). Tổ chức này là tổ chức duy nhất được công nhận toàn cầu về phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận về rừng. Giấy chứng nhận FSC được công nhận bởi Tổ chức FSC sau khi đã hoàn tất xong việc đánh giá và xác nhận về tài nguyên rừng của một quốc gia. |
Nhận xét
Đăng nhận xét