Tỉnh Đắk Nông đang chủ động truyền thông và triển khai các nội dung sản xuất nông sản theo dự luật quy định chống phá rừng của châu Âu.
Tháng 5/2023, Hội đồng châu Âu thông qua dự luật Quy định quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa, sản phẩm liên quan đến gây mất rừng, suy thoái rừng.
Dự luật này cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng, gây suy thoái rừng từ sau 31/12/2020.
Các sản phẩm bị cấm bao gồm gia súc, ca cao, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ… Như vậy, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê, cao su, hồ tiêu cùng nhiều ngành hàng có liên quan của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng sẽ bị ảnh hưởng bởi dự luật này.
Dự luật này dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024 đối với nhà vận hành xuất, nhập khẩu; từ tháng 6/2025 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện các bộ, ngành, Trung ương chưa có hướng dẫn việc thực hiện dự luật trên. Thế nhưng, Đắk Nông đã chủ động triển khai một số nội dung liên quan đến dự luật, với mục đích "đi tắt đón đầu".
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (gần 38%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh có hơn 300.000 ha cây trồng các loại.
Một số ngành hàng đã được định vị với diện tích và sản lượng lớn như: cà phê gần 138.000 ha, sản lượng gần 350.000 tấn/vụ; hồ tiêu hơn 34.000 ha, sản lượng hơn 66.000 tấn/vụ…
Mặc dù vậy, không ít diện tích cà phê, hồ tiêu… của Đắk Nông có nguồn gốc canh tác trên đất của lâm nghiệp trước đây. Nhiều khu vực người dân đã canh tác từ lâu, nhưng vẫn nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp.
Các diện tích này không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là những nguy cơ khiến cho nhiều sản lượng nông sản của Đắk Nông không thể vào được châu Âu.
Hiện Sở NN-PTNT đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật.
Sở NN-PTNT đang hệ thống và cung cấp các thông tin liên quan (vị trí, diện tích, đối tượng vi phạm…) các vụ phá rừng trái phép sau 31/12/2020.
Đây là căn cứ để phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Sở NN-PTNT cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng và quản lý mã vùng trồng. Trong đó, Chi cục Phát triển nông nghiệp có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lộ trình để hình thành các vùng nguyên liệu.
Các vùng này phải gắn với chuỗi ngành hàng, ưu tiên các ngành hàng có liên quan đến dự luật của châu Âu. Việc đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu liên quan đến vườn trồng, các thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc… được chú trọng.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, đơn vị đang tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp, HTX và người dân nên có giải pháp thúc đẩy việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp để sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn châu Âu.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở Đắk Nông đã nắm được thông tin liên quan và đánh giá cao dự luật Quy định quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa, sản phẩm của châu Âu.
Ông Hà Công Xã, thành viên HTX Bechamp Đắk Nông (Đắk Song) cho biết, dự luật hướng tới việc chống phá rừng, tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững.
Vì vậy, muốn xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm buộc phải chứng minh đủ điều kiện theo dự luật. Nhờ đó, các ngành hàng sẽ từng bước minh bạch hóa, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Nhận xét
Đăng nhận xét