Đây là khẳng định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường của Ủy ban Châu Âu (EC ) trong hội nghị chiều 29/6, khởi tạo cơ hội đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi nông nghiệp Việt theo hướng bền vững.
Hội nghị sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Tổ chức IDH tổ chức, chiều 29/6.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà phê.
Các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.
“Bộ NN&PTNT coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà xem đây là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Chia sẻ về kết quả các cuộc gặp song phương với đại diện ngành nông nghiệp EU và Đức trong chuyến công tác vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các nước đều thống nhất ủng hộ Việt Nam trong xây dựng ngành hàng tuân thủ Quy định chống mất rừng EU.
Với tầm nhìn này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, những quy định mới của Liên minh châu Âu sẽ giúp Việt Nam củng cố tốt hơn những cách tiếp cận phát triển nông nghiệp bền vững theo xu thế tăng trưởng xanh trên thế giới.
“Tăng trưởng xanh là thái độ không phải chỉ là khẩu hiệu. Việt Nam đã sẵn sàng thái độ tốt nhất cho quyết tâm này. Việt Nam hiểu rằng rừng còn nhiều giá trị để có những phương thức canh tác phù hợp không làm mất đi phúc lợi và đa dạng sinh học rừng”, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, tháng 9 tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động thích ứng Quy định mới của EU.
Để Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu sẽ có những hỗ trợ Việt Nam trên lộ trình này.
“Cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với khu vực tư nhân, các tổ chức trong và ngoài nước để chuẩn bị sẵn sàng thông tin đáp ứng các Quy định của EU, duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững, đảm bảo sinh kế cho nông dân”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Biên bản ghi nhớ về phát triển ngành hàng cà phê theo hướng giảm phát thải, không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng, đảm bảo sinh kế cho nông hộ. |
Trước những đề nghị của Bộ trưởng NN&PTNT, bà Florika Fink-Hooijer, Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường của Ủy ban Châu Âu (EC) nhấn mạnh, EU cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững.
“Thông qua việc kết hợp sức mạnh của cả hai bên, EU và Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả hơn, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân dân Việt Nam cũng như bảo tồn di sản tự nhiên độc đáo của đất nước này”, bà Florika Fink-Hooijer nói.
Bên cạnh việc thông tin tổng quan về yêu cầu Quy định mới của EU về sản phẩm không gây mất rừng (EUDR), hội nghị cũng chia sẻ các cơ hội và thách thức mà Quy định mới có thể mang đến cho ngành cà phê Việt Nam, đưa ra các đề xuất về giải pháp hỗ trợ ngành đáp ứng các quy định mới trong thời hạn chuẩn bị 18 - 24 tháng do EU đặt ra.
Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) được Nghị viện Châu Âu thông qua vào ngày 19/4/2023 và bắt đầu có hiệu lực từ 29/6/2023. Năm 2024, EUDR bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với nhà vận hành và từ tháng 6/2025 đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Các hàng hóa áp dụng: Dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in).
EUDR quy định, chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU – cần kèm theo báo cáo thẩm định.
Nhận xét
Đăng nhận xét