Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, đồ gỗ thường phải vay vốn bằng tiền USD để nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi đó, hiện nay nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất vay USD lên 4,5 - 4,9%, thậm chí có ngân hàng đưa lên hơn 5%, tức là cao gấp đôi so với trước kia, đã khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn cùng…
Theo báo cáo “Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu năm 2022” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends công bố mới đây, chỉ trong năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu lượng gỗ tròn và gỗ xẻ tương đương 6,3 triệu m3 gỗ quy tròn với giá trị gần 2 tỷ USD.
VAY USD ĐỂ NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU
Các doanh nghiệp ngành gỗ nhập khẩu chủ yếu các loài gỗ thông, lim, sồi, gõ, bạch đàn, hương, dẻ gai, vân sam… phục vụ chế biến các sản phẩm đồ gỗ để xuất khẩu đi các thị EU, Mỹ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1/2023, nhập khẩu gỗ nguyên liệu là 973,6 nghìn m3, trị giá 350,9 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ phải vay vốn từ ngân hàng bằng tiền USD để mua gỗ nguyên liệu và hiện nay đang phải trả lãi suất quá cao.
Từ giữa năm 2022 trở về trước, lãi suất vay băng tiền USD chỉ ở mức 2,1-2,8%/năm (tùy ngân hàng). Thế nhưng, từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay lên 3-3,3%. Từ cuối năm 2023 đến nay, phần lớn các ngân hàng đưa lãi suất cho vay vốn bằng tiền USD lên mức 4,1-4,9%/năm (tùy ngân hàng), thậm chí có ngân hàng cho vay thu lãi suất cao hơn 5% năm.
5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đặc biệt đáng quan ngại là xuất khẩu nhóm sản phẩm đồ gỗ giảm tới 38% so với cùng kỳ năm trước.
“Trong hoàn cảnh xuất khẩu sản phẩm gỗ suy giảm, rất nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng, việc phải trả lãi suất vay USD cao gấp 2 lần so với các năm trước, càng đẩy các doanh nghiệp ngành gỗ vào cảnh gian lao”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Tương tự, với ngành thủy sản tuy xuất khẩu đem về 11 tỷ USD trong năm 2022, nhưng cũng phải chi khoản ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu thủy sản nguyên liệu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại về Việt Nam trong năm 2022 đạt trên 2,72 tỷ USD, tăng mạnh 36,6% so với năm 2021.
"Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này”.
Theo Công văn của VASEP
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các doanh nghiệp phải nhập lượng khá lớn thủy sản nguyên liệu từ các nước Ấn Độ, Na Uy, Indonesia, Trung Quốc và Đài Loan… để phục vụ chế biến, sau đó xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Tại công văn số 59/CV-VASEP (ngày 14/6/2023) phúc đáp công văn số 4367/BKHĐT-TH (ngày 11/6/2023) của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về đề xuất chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, VASEP cho biết doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là chế biến hàng xuất khẩu thường vay USD.
Công văn của VASEP nêu thực trạng lãi suất vay vốn bằng USD quá cao. Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Ngoài lãi suất cao, doanh nghiệp còn phải chịu các khoản phí của ngân hàng, như: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)…
CẦN GIẢM NHẸ GÁNH NẶNG CHO DOANH NGHIỆP
Theo số liệu của VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3,37 tỷ USD, giảm gần 28% so với năm trước; lượng đơn hàng xuất khẩu cũng sụt giảm 20-50%.
“Trong khi thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng, thì lãi suất ngân hàng đang tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp ngành thủy sản. Hiện nay các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức đơn hàng giảm mạnh, tồn kho nhiều, áp lực chi phí tài chính cao, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất giảm giờ làm, sa thải nhân công”, VASEP nhấn mạnh.
Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đề nghị cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2 và quý 3/2023, đồng thời tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm, để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2023 phát hành ngày 26-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nhận xét
Đăng nhận xét