(TN&MT) - Những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ quý hàng trăm tuổi nằm sâu trong những dãy núi thuộc thôn Nà Hắc, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên được bà con đồng bào dân tộc Dao bảo vệ từ bao đời nay, góp phần giữ nguồn nước đầu nguồn, tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.
Nà Hắc là một thôn nhỏ nằm xa nhất xã Hà Lâu (nằm giáp với huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), sau khi được ghép lại với bản Gianh thành thôn Đoàn Kết, với 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Cộng đồng bà con người Dao sinh sống từ bao đời nay luôn đoàn kết, gắn bó và luôn cùng nhau giữ rừng. Bởi vậy, khu rừng nguyên sinh từng có thời gian bị một số kẻ xấu vào chặt phá, nhưng bằng sự chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương nên màu xanh của rừng ngày càng thêm xanh.
Ông Lã Văn Vi, Phó Chủ tịch xã Hà Lâu chia sẻ, nhiều năm về trước, việc giữ và bảo vệ khu rừng nguyên sinh rất vất vả, không có điện lưới, không có điện thoại, đường đất đi lại rất khó khăn. Mỗi khi có kẻ xấu chặt phá rừng, để báo tới chính quyền, cũng phải mất vài ngày. Theo ông Lã Văn Vi, để giữ được màu xanh của rừng nguyên sinh, công sức của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nà Hắc là rất lớn, bà con nơi đây luôn bảo nhau giữ rừng, đoàn kết xua đuổi những đối tượng xâm hại khu rừng.
Trong căn nhà nhỏ nằm ngay cạnh khu rừng nguyên sinh, anh Chìu Chăn Lỷ, 55 tuổi, bộc bạch, từ khi sinh ra và lớn lên anh đã gắn bó với những cánh rừng bạt ngàn và con suối đầu nguồn trong vắt. Anh được ông bà khuyên bảo phải giữ rừng, bởi rừng chống lại những trận bão lũ, cũng như cung cấp sản vật, cây dược liệu quý giúp ổn định cuộc sống. Hơn thế, rừng Nà Hắc hoang sơ, nhiều thác nước đẹp, sẽ là tương lai để trở thành điểm du lịch thu hút khách đến khám phá, tạo công ăn việc làm cho bà con trong thôn.
Vừa dẫn chúng tôi vào sâu trong khu rừng nguyên sinh, anh Lỷ kể, vốn yêu rừng, nên khi lớn lên, anh đã vào bìa rừng cất một căn nhà nhỏ để sinh sống. Anh Lỷ chia sẻ, để duy trì cuộc sống, hằng ngày ngoài trồng ngô, sắn, anh còn vào rừng khai thác lâm sản phụ như ba kích, nấm chẹo. Hơn 35 năm gắn bó với những cánh rừng, nhờ chịu khó làm ăn, tài sản của anh Lỷ đã có tiền tỷ trong tay từ hàng chục ha rừng sản xuất trồng cây lấy gỗ.
Gắn bó với rừng già mấy chục năm, anh Lỷ khoe có một số lần, kẻ xấu rủ rê anh khai thác gỗ quý, hay đào những cây mai rừng hàng chục năm tuổi, nhưng anh đều kiên quyết từ chối và báo chính quyền xử lý kịp thời.
Còn anh Chìu Văn Chăn, ở bản Nà Hắc cho biết, từ bao đời nay, bà con trong thôn chỉ vào rừng đào măng, ba kích, cây thuốc để kiếm sống, chứ tuyệt nhiên không chặt gỗ, nhất là những cây lát cổ thụ hàng trăm tuổi có giá trị rất lớn.
Vài năm trở lại đây, từ chương trình nông thôn mới, tuyến đường đất dẫn vào đầu thôn Nà Hắc đã được bê tông hóa, giúp cho việc lưu thông hàng hóa, với sản phẩm lâm nghiệp thuận tiện, làm tăng giá trị của nông sản, giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, có đường giao thông thuận lợi hơn trước, rừng Nà Hắc lại đứng trước nỗi lo khi các phương tiện vào vận chuyển gỗ keo dễ trà trộn để chở gỗ quý ra khỏi rừng, nếu rừng không được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo lời anh Chăn kể, mấy năm trước, biết rừng Nà Hắc có nhiều gỗ quý, một số kẻ phá rừng đã mở một con đường nhỏ từ xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn vào với ý định khai thác gỗ trái phép. Khi phát hiện, Trưởng thôn Nà Hắc huy động người dân trong thôn ra ngăn cản và báo cáo cơ quan chức năng đến kịp thời ngăn chặn.
Từ bao đời nay, bà con dân tộc Dao nơi đây luôn coi những cánh rừng già là mẹ thiên nhiên chở che cuộc sống của họ trước bão lũ, cũng như gìn giữ nguồn nước để bà con sinh hoạt và phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ngoài việc cùng nhau giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, người dân Nà Hắc còn bảo nhau phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng sản xuất lấy gỗ, trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gia cầm, vươn lên trong cuộc sống, nhiều hộ trong thôn trở nên khấm khá hơn trước.
Ngày nay, đời sống của người dân trong thôn đã được nâng lên, nhưng không vì thế mà bà con lơ là việc giữ rừng, còn màu xanh của rừng là còn những lâm sản có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, ba kích giúp cho người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống- ông Lã Văn Vi chia sẻ thêm.
Nhận xét
Đăng nhận xét