VTV.vn - Tình trạng mất rừng ở Bolivia đã tăng khoảng 1/3 vào năm ngoái khiến nước này đứng ở vị trí thứ 3 về mất rừng, chỉ sau Brazil và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo Global Forest Watch, quốc gia Nam Mỹ này đã mất gần 3.860 km2 rừng nguyên sinh vào năm 2022. Nguyên nhân được cho là do sự bùng nổ của việc mở rộng trang trại và cháy rừng thường xuyên.
Một khu rừng bị cháy được chụp tại Khu bảo tồn sinh thái quốc gia Guarani Nembi Guasu ở vùng Charagua Bolivia, ngày 23 tháng 8 năm 2019 (REUTERS/David Mercado)
Bolivia, một trong số ít các quốc gia đã không ký vào cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đang ủng hộ sự phát triển của các nông trại, lấy đây làm động lực kinh tế chính để giải quyết vấn đề sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Theo đó, nhiều khu rừng rộng lớn đã được dọn sạch để mọc lên các trang trại trồng đậu nành và nuôi bò, chủ yếu ở các vùng đất thấp Santa Cruz và Beni, một phần của rừng Amazon tại Bolivia. Đây là một hệ sinh thái quan trọng để lưu trữ carbon, tạo ra lượng mưa và chống lại tác động của biến đổi khí hậu.
Chính phủ Bolivia hiện đang phải chịu áp lực bởi doanh thu xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ sụt giảm, đã đưa ra các biện pháp khuyến khích phát triển đất trồng cỏ. Các chuyên gia cho biết việc phá rừng trái phép ở nước này bị phạt rất nhẹ.
Đến năm 2025, chính phủ muốn có thêm 30.000 km2 diện tích đất canh tác và tìm cách tăng gần gấp đôi đàn gia súc lên 18 triệu con. Hiện tại gần 10% lãnh thổ của Bolivia, khoảng 80.000 km2 rừng đã bị tàn phá, một nửa được sử dụng cho thâm canh.
Daniel Larrea, người điều phối nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại tổ chức bảo tồn Conservación Amazónica (ACEAA) cho biết: "Ba mươi năm trước, không có ngành công nghiệp thịt bò quy mô lớn ở Bolivia. Bây giờ thu nhập từ nông nghiệp đã bắt kịp với lượng hydrocarbon."
Larrea cho biết việc ngăn chặn nạn phá rừng là "một thách thức to lớn" bởi vì chính quyền địa phương và quốc gia cảm thấy phần lớn diện tích của Bolivia vẫn chưa được canh tác "và phải được đưa vào hoạt động, để đóng góp cho nền kinh tế".
Báo cáo của Global Forest Watch cho biết, nạn cháy rừng (một số vụ trong đó cũng liên quan đến việc phá rừng canh tác) cũng góp phần lớn vào việc mất rừng trong những năm gần đây. Một số nguyên nhân khác chiếm tỉ lệ thấp hơn một chút là đô thị hóa, cơ sở hạ tầng đường bộ và khai thác mỏ…
Những ngôi nhà giữa làn khói do cháy rừng ở La Paz, Bolivia ngày 29 tháng 11 năm 2022. (REUTERS/Claudia Morales)
Một báo cáo trên Global Forest Watch hôm thứ Hai vừa qua với sự tham gia của Viện Tài nguyên Thế giới và dựa trên dữ liệu về rừng do Đại học Maryland thu thập, cho biết chỉ trong năm 2022, Trái Đất đã mất một khu vực rừng mưa nhiệt đới lâu đời có diện tích bằng với Thụy Sĩ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Nhận xét
Đăng nhận xét