Trước bối cảnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành gỗ, mỹ nghệ mong tìm kiếm nhiều khách hàng tiềm năng tại VIFA ASEAN 2023.
Gỗ và lâm sản: Nốt trầm tại thị trường xuất khẩu
Chế biến gỗ xuất khẩu gặp khó
Việt Nam - Israel sẵn sàng ký Hiệp định FTA ngay trong năm nay
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh
Chia sẻ tại buổi thông tin về Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam ASEAN 2023 (VIFA ASEAN 2023) sáng 23/5, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI - HCM) cho rằng, đứng trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, bình quân mỗi tháng có khoảng 19.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Có trên 80% doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng, doanh thu sụt giảm. Có khoảng 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định, 20% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 24% so với tháng 4/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 820 triệu USD, tăng 6% so với tháng 3/2023, giảm 28% so với tháng 4/2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ. Thêm vào đó yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng.
Kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới cũng tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.
Doanh nghiệp ngành gỗ còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp còn đang trong tình trạng thiếu đơn hàng do nhu cầu yếu từ các thị trường tiêu thụ chính. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phải tìm mọi biện pháp để duy trì sản xuất, giữ chân lao động để chờ tình hình khởi sắc hơn.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm từ 28% đến 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, thời điểm này dù đã sang quý II, nhưng doanh nghiệp vẫn chật vật tìm đơn hàng, doanh nghiệp nào có đơn hàng cũng chủ yếu là đơn hàng nhỏ. Từ đầu năm tới nay, đơn hàng của hầu hết doanh nghiệp cho sản xuất trong thời trước dịch.
Tìm kiếm đơn hàng, xúc tiến thương mại
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, đứng trước bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc tổ chức một hội chợ đồ nội thất khu vực Đông Nam Á sẽ giúp đưa TP.HCM trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất khu vực và quốc tế.
Đồng thời, qua đó, giúp các doanh nghiệp tham gia triển lãm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong khu vực, tạo cơ hội tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng
Là một trong những doanh nghiệp đã thành công trong việc tìm kiếm đơn hàng tại các hội chợ, ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia cho biết, tháng 3/2023 vừa qua doanh nghiệp ông đã tham gia Hội chợ quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2023) tại TP.HCM và thu được kết quả khả quan.
“Ngay tại hội chợ, chúng tôi đã bán được 24 container hàng, thu về hơn 500.000 USD. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp cận được thêm 40 khách hàng mới tham quan, tiếp xúc tại doanh nghiệp”, ông Đồng nói và cho biết rất kỳ vọng khi tham gia VIFA ASEAN 2023 vào tháng 8/2023 tới đây sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho biết, Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN 2023 với chủ đề “Nơi hội tụ tinh hoa nội thất Đông Nam Á”, dự kiến thu hút 350 nhà sản xuất và chế biến đồ gỗ & mỹ nghệ xuất khẩu trong nước và quốc tế tham gia trưng bày với 1.400 gian hàng.
Theo ông Hùng, hội chợ hứa hẹn sẽ trở thành một địa điểm xúc tiến thương mại quan trọng tầm cỡ khu vực của ASEAN. Sự đa dạng và phong phú của các dòng sản phẩm trưng bày của các doanh nghiệp các nước tham gia triển lãm sẽ đáp ứng mọi nhu cầu nội ngoại thất đa phân khúc của thị trường thế giới.
Tại VIFA ASEAN, có các khu vực gian hàng chung của các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines..., cùng một số quốc gia khác với mục đích giới thiệu và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà mua hàng khám phá không gian trưng bày đặc sắc các sản phẩm của khu vực với các thiết kế độc đáo được kết hợp sản xuất từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau.
Các dòng sản phẩm sẽ được giới thiệu tại hội chợ đa dạng, phong phú với các thiết kế mới nhất gồm sản phẩm đồ gỗ, nội ngoại thất (sofa, bàn, ghế, giường, tủ, kệ… cho phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp, sân vườn…); sản phẩm trang trí, hàng thủ công mỹ nghệ (sơn mài, gốm sứ, mây tre lá, cói, thảm…), đèn trang trí, gỗ nguyên liệu, máy móc thiết bị và các loại phụ kiện… phục vụ cho ngành chế biến gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu.
Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam ASEAN 2023 (VIFA ASEAN 2023) do Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM và Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 29/8 - 1/9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gỗ giảm mạnh, doanh nghiệp tìm đơn hàng qua hội chợ tại chuyên mục Doanh nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét