Không chỉ có tiềm năng đất rừng rộng lớn cùng với huyết mạch Quốc lộ 19C và tỉnh lộ 646, mà xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) còn được nhà nước đầu tư nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội từ cơ chế, chính sách ưu tiên miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng chỉ sau 5 năm thoát nghèo, đến năm 2021 địa phương này lâm cảnh… tái nghèo. Lạ một điều là nhiều người dân ở địa phương này lại không được hưởng lợi từ dự án liên quan đến phát triển lâm nghiệp.
PV Báo CAND vào cuộc và phát hiện ra nhiều điều bất ngờ…
Theo thống kê, xã Sơn Hội có 1.471 hộ gia đình với 5.101 người dân cư trú ở 7 thôn, trong đó có 52,7 % đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tổng diện tích 11.813ha đất rừng toàn xã, có gần 6.669ha rừng tự nhiên và hơn 5.144ha rừng trồng, thế nhưng đến nay Sơn Hội vẫn còn 367 hộ gia đình gồm 1.440 người nghèo, chiếm gần 25% số hộ và 28,2% số người dân.
Theo tài liệu PV Báo CAND thu thập được, ngày 26/11/2009, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển xã Sơn Hội trong dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Flitch) ở Phú Yên. Hồ sơ thiết kế – dự toán đã được Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên thẩm định, tổng diện tích rừng keo thực trồng tại Sơn Hội trong 4 năm (2012-2015) hơn 105ha với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng.
Làm việc với PV, ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội – một trong những người được “ưu tiên” trồng rừng dự án Flitch cho biết, trong năm 2012, ông Phạm Anh Tân, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội lúc đó nhờ cán bộ địa chính xã đưa đến nhà ông Nguyễn Văn Tảng, dân tộc Chăm ở thôn Tân Thành để mua lại gần 10ha đất rừng với giá 10 triệu đồng. Ông Tân giao cho ông Tây - lúc đó là Bí thư xã Đoàn đăng ký trồng rừng dự án Flitch để cùng hưởng lợi.
Do hạn mức mỗi người 6ha, nên ông Tây chia tách, ký kết với Ban Quản lý dự án Flitch huyện Sơn Hòa 2 hợp đồng hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc rừng 12ha, đứng tên Trần Ngọc Tây và Nguyễn Văn Tảng để nhận hơn 60 triệu đồng. Ông Tây thừa nhận tự mình ghi danh, giả mạo chữ ký ông Tảng trong hợp đồng, biên bản, chứng từ nhận tiền… vì ông Tảng không biết gì về dự án Flitch. Do thời tiết khô hạn, gia súc giẫm phá nên rừng keo còn lại chỉ hơn 50%, đến khi khai thác ông Tây đã chia một nửa tiền lãi cho ông Tân. Khi kết thúc dự án Flitch hai người tiếp tục trồng keo trên đất đã mua chưa hợp pháp của ông Tảng.
Do bị “động” nên gần đây ông Tây đến nhà ông Tảng để đưa 15 triệu đồng “hỗ trợ trồng rừng dự án Flitch” từ năm 2012, nhưng ông Tảng từ chối và thu giữ giấy nhận tiền do ông Tây viết sẵn.
Không riêng hai ông Trần Xuân Tây, Phạm Anh Tân “nhanh tay” trồng rừng dự án Flitch, mà bà Trương Thị Bích Liên, Phó Bí thư thường trực lúc đó - nay là Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội cùng cán bộ địa chính Nguyễn Thanh Châu và giáo viên Nguyễn Văn Tịnh cũng tranh thủ trồng rừng dự án Flitch trên diện tích hơn 22ha do ông Châu mua lại của ông Sô Bùa, dân tộc Chăm ở thôn Tân Thành. Làm việc với PV, ba người nêu trên cho rằng do bị người dân lấn chiếm nên thực tế chỉ có hơn 9ha rừng. Sau khi khai thác và chia lãi, họ tiếp tục trồng keo đến giữa năm 2019 thì ông Châu rút khỏi nhóm, giao lại “sổ đỏ” cho bà Liên.
Tham gia dự án Flitch còn có một số cán bộ như ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã – nay là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội trồng hơn 4,1ha; ông Huỳnh Văn Trọng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lương, trồng hơn 5,3ha… Nhiều người dân ở Sơn Hội cho biết, họ không được phổ biến về dự án Flitch, mà một số cán bộ xã có đất đã chủ động tham gia hoặc tranh thủ mua đất giá rẻ của dân để trồng rừng, từ đó những cán bộ này hưởng lợi từ dự án.
Liên quan đến sinh kế từ rừng, theo Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 2/8/2013 của UBND tỉnh Phú Yên, xã Sơn Hội tiếp nhận 1.791ha đất rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa để giao cho người dân bảo vệ, phát triển rừng. Do khó khăn về tài chính nên đến cuối tháng 11/2018, UBND xã Sơn Hội mới ký kết hợp đồng với Trung tâm Quy hoạch thiết kế NN&PTNT Phú Yên đo đạc chi tiết. Hai bên đã nghiệm thu, thanh toán 918 triệu đồng từ cuối tháng 12/2018, thế nhưng hơn 4 năm qua xã chưa giao thửa đất rừng nào cho người dân trong diện tích nêu (!?).
Mặt khác, từ khi triển khai thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, cho đến nay chỉ có 10 hộ dân ở xã Sơn Hội được nhận tiền khoán bảo vệ 197,60ha rừng mỗi năm 400.000 đồng/ha. Trong khi đó, theo Quyết định số 763/QĐ-UBND ngày 21/6/2010 của UBND huyện Sơn Hòa đã có 389 hộ gia đình ở xã Sơn Hội được giao hơn 554.6ha đất rừng, trong đó có 3.240ha đất rừng sản xuất và hơn 2.300ha đất rừng phòng hộ. Và điều lạ lùng là hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng của 10 hộ dân ghi ngày 13/11/2017, nhưng Chủ tịch UBND xã Sơn Hội thừa nhận mới giao cho công chức địa chính tranh thủ đến nhà dân để ký kết lại vào đêm 4/4/2023 vì “hợp đồng cũ bị… thất lạc” (!?).
Bên cạnh thông tin cho rằng nhiều khu đất rừng bị dân lấn chiếm, nhưng UBND xã Sơn Hội chưa xác định được diện tích, đối tượng và chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, thì 3 năm gần đây trên địa bàn xã Sơn Hội đã xảy ra nhiều vụ phá rừng. Nổi cộm nhất là vụ đốn hạ hơn 3,1ha rừng tại tiểu khu 162, gây thiệt hại hơn 180 triệu đồng đã có 8 bị can bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố về tội “Hủy hoại rừng” và 2 bị can “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…
Chiều 6/5, một nguồn tin riêng của PV Báo CAND cho biết, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Sơn Hòa cũng đã vào cuộc, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đảng viên Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội.
Tuy nhiên người dân địa phương cho rằng, cần phải mở rộng kiểm tra những đảng viên khác đã tranh thủ hưởng lợi từ dự án Flitch, đồng thời rà soát lại năng lực, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở xã Sơn Hội. Đặc biệt là việc thực hiện các chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
Nhận xét
Đăng nhận xét