VOV.VN - Quảng Ninh hiện có hơn 370.000 ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong nước với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%. Từ những chính sách đột phá của địa phương nhằm phát triển rừng bền vững, những cánh rừng gỗ lớn như lim, lát, giổi dần hình thành.
Nhiều năm trở về trước, các khu vực vùng cao của tỉnh Quảng Ninh có nhiều cánh rừng già cổ thụ... Thế nhưng nạn cháy rừng cùng với tình trạng khai thác thiếu kiểm soát trong một thời gian dài khiến không ít cánh rừng nguyên sinh biến mất, thay vào đó là những vạt rừng sản xuất trồng các loại keo, bạch đàn...
Ông Chíu Sáng Hình (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) cho biết, mỗi lứa keo, bạch đàn có thể cho thu hoạch sau 5-7 năm nhưng số tiền thu về cũng không lớn. Quan trọng nhất là các rừng keo, bạch đàn có nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái dẫn đến cạn kiệt độ màu của đất rừng.
Theo ông Hình: "Từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, gia đình chúng tôi cũng trồng keo hơn chục năm. Trồng keo thì hiệu quả nhanh nhưng gây nhiều tai hại, cây ăn hết độ màu mỡ của đất, hút nước, nhất là ở rừng đầu nguồn khiến bây giờ một số đất rừng bị cạn kiệt, về sau không thể trồng cây gì được nữa".
Không ai không biết cái lợi của rừng gỗ lớn, vậy nhưng thay đổi tư duy của người dân về trồng rừng bền vững là điều không dễ dàng. Để hiện thực hóa chủ trương về trồng rừng gỗ lớn, năm 2019 tỉnh Quảng Ninh đã có Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030 và Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững như bố trí ngân sách đầu tư hàng năm cho phát triển lâm nghiệp; hỗ trợ cây giống và lãi suất ngân hàng cho người trồng rừng...
Các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển rừng gỗ lớn cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động người dân đã dần phát huy hiệu quả. Người dân được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn trồng các loại cây ngắn ngày xen kẽ... mang lại thu nhập ổn định, lâu dài.
"Tôi là người nông dân sống ở trên này, bám vào đất để sống mà cứ trồng cây keo ngắn ngày như thế này thì chắc chắn đến đời con là không làm được nữa. Việc trồng cây gỗ lớn mang lại lợi ích rất lớn, chúng tôi chuyển sang trồng quế thì rất là vui khi đem lại thu nhập ổn định, lại có thể trồng được xen kẽ cây ngắn ngày như lúa nương nữa, rất là tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao." - anh Phượng bày tỏ.
Để làm tốt hơn chủ trương thay thế các loại rừng trồng keo, bạch đàn,... vốn chủ yếu cung cấp gỗ bóc để sản xuất ván ép hoặc làm nguyên liệu giấy, Quảng Ninh đã phát động nhiều phong trào xã hội hóa trồng rừng gỗ lớn, tạo sức lan tỏa và sự đồng thuận, ủng hộ của cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên cho biết: “Công ty đã dành 1 phần diện tích lớn để trồng cây giổi, sau này hạt giổi có giá trị kinh tế rất cao, vừa có tính năng cho môi trường sinh thái vừa có giá trị kinh tế để bù lại, thu hồi được chi phí đầu tư. Sau này khi phát triển rừng cây bản địa này thì dưới tán rừng chúng tôi sẽ thực hiện trồng những cây ngắn ngày với chu kì kinh doanh ngắn như là trồng xen cây sắn, cây dược liệu… để tạo thêm nguồn thu từ rừng".
Với sự vận hành đồng bộ, tích cực từ tham mưu chính sách, tuyên truyền vận động chủ rừng, huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ người dân trồng các loại cây gỗ lớn có giá trị cao như lim, giổi, lát... đến khâu kiểm tra, rà soát diện trồng rừng, định hướng người dân thay đổi cơ cấu trồng, đảm bảo cây giống, trợ giúp kỹ thuật, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã trồng được hơn 1.700 ha rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi đã liên hệ với nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc thì đối với lim, giổi, lát thì trên toàn quốc nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng chưa có tiền lệ về điều này, đó là giao trồng bằng Nghị quyết cụ thể như ở Quảng Ninh. Tôi cho rằng đây là tư duy thực sự đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện những điều rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng rừng".
Gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển vùng nguyên liệu cây gỗ lớn với quy mô 5.000 ha và dự kiến đến hết năm 2030, Quảng Ninh sẽ có khoảng 24.000 ha rừng gỗ lớn.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, các khu vực được ưu tiên phát triển cây gỗ lớn có thể phục vụ đa mục tiêu, đa giá trị cả về cảnh quan, sinh thái, du lịch...
Theo ông Văn: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, thực hiện các giải pháp để duy trì tỷ lệ che phủ rừng, chăm sóc tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn đảm bảo tỷ lệ thành rừng cao nhất. Ưu tiên hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình trồng rừng gỗ lớn, chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các chủ rừng trong việc chăm sóc rừng, trồng rừng thay thế và các địa phương trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và thực hiện công tác khoán quản lý bảo vệ rừng".
Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng và cũng là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững. Những rừng cây gỗ lớn còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu toàn cầu; bảo vệ con người trước thiên tai, bão lũ và cũng là "của để dành" cho thế hệ mai sau./.
Nhận xét
Đăng nhận xét