(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trong không gian vùng đất Đại Lại xưa, làng Trần, xã Hà Ngọc (Hà Trung) được biết đến là một trong những làng có lịch sử lập dựng, phát triển lâu đời. Nơi đây, còn có những dấu tích liên quan đến người sáng lập triều đại nhà Hồ trong lịch sử phong kiến dân tộc.
Gác chuông chùa Trần.
Vùng đất Đại Lại khi xưa còn được biết đến với tên gọi Bái Nại trang. Cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong sách Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa khi viết về vùng đất này đã miêu tả: “Đây là vùng đất đẹp, núi non tầng tầng lớp lớp quây lại như mâm xôi, như âu vàng, chén ngọc, thung lũng bằng phẳng rộng dài, sông lớn lượn quanh, ôm vòng, như lưu luyến không muốn rời xa. Rừng núi xanh tươi bốn mùa, nhiều gỗ quý, xứ sở của chim đàn thú lũ, cho người ta cảm tưởng nguồn lâm sản phong phú đủ loại và dồi dào vô tận”. Có lẽ bởi vậy mà đến thời Trần, nơi đây phát triển trở thành hương Đại Lại (Đại Lại được hiểu là lợi ích to lớn).
Cũng theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, ở đất Đại Lại, họ Lê được biết đến là dòng họ có công khai hoang lập làng, đến thời nhà Trần thì hậu duệ dòng họ Lê ở Đại Lại là Lê Huấn giữ chức “Tuyên úy” đã nổi danh giàu có khắp vùng. Lúc bấy giờ, có ông Hồ Liêm ở Diễn Châu (Nghệ An) nghe tiếng Tuyên úy Lê Huấn đã tìm ra Đại Lại xin làm con nuôi, đổi họ Hồ thành họ Lê. Lê Liêm thông minh, có sức khỏe hơn người lại am hiểu chữ nghĩa nên được Lê Huấn tin tưởng cho trông coi, mở mang khoảng đất phía Đông thuộc dải Bắc sông Lèn. Và khi Hồ Quý Ly lên ngôi, Đại Lại trở thành đất “thang mộc” của nhà Hồ. Ngày nay, hương Đại Lại xưa gồm các xã: Hà Phong (nay đã sáp nhập vào thị trấn Hà Trung), Hà Đông, Hà Lĩnh, Hà Ngọc.
Xá lị (mộ nhà sư) bên trong khuôn viên chùa Trần.
Nằm trong không gian của vùng đất cổ Đại Lại, căn cứ theo sử liệu cùng các tài liệu lưu giữ tại địa phương người làng Trần tin rằng ngôi làng đã có lịch sử lập dựng trước thời Lý. Theo các cụ cao niên trong làng, thuở xa xưa làng Trần có tên Chiềng thôn (Chiềng là một từ Việt cổ, hiểu nôm na là làng lớn, đẹp). Đến cuối thời Trần, đầu thời Hồ thì Chiềng thôn được đổi tên thành làng Trần. Và người dân tin rằng, Hồ Quý Ly năm xưa đã được sinh ra trên đất Chiềng thôn (làng Trần).
Trải qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử nhưng người dân làng Trần vẫn không quên những địa danh - dấu tích vua Hồ (Hồ Quý Ly) thuở xưa. Như Vườn Hồ (nơi xưa kia có nhà của ông Hồ Liêm từ Diễn Châu ra làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn); đường Hồ (khi lên làm vua, Hồ Quý Ly bỏ họ Lê, lấy lại họ Hồ, đắp đường này nối với Tây Đô để thỉnh thoảng xa giá về thăm quê); Bãi Hồ (nơi dân chúng tụ họp đón mừng Hồ Quý Ly khi ông về thăm làng quê, đây cũng là nơi vị vua sáng lập triều đại nhà Hồ ban phúc lộc cho người dân quê nhà); Mả Ông Voi (tương truyền, cuộc kháng chiến chống giặc Minh thất bại, Hồ Quý Ly bị giặc bắt, con voi của ông chạy về đến làng Trần đã nhịn ăn rồi chết, sau đó được người dân đắp đất thành mộ)...
Ngày đầu hạ nắng chói chang, tôi theo chân anh Lê Hùng Phú - công chức văn hóa xã hội xã Hà Ngọc đi trên con đường Hồ năm xưa. Anh Lê Hùng Phú cho biết: “Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, đường Hồ được làm theo lệnh vua Hồ nên lát đá rất đẹp. Ngày nay, phía dưới lớp bê tông vẫn còn dấu tích những phiến đá lát đường năm xưa”.
Là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, làng Trần còn có những di tích gắn liền với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Trong đó, chùa Trần được khởi dựng khá sớm.
Lý giải về tên gọi chùa Trần, có ý kiến cho rằng đó là ngôi chùa xây trên đất làng Trần và có thể chùa được xây dựng dưới thời Trần. Tương truyền, thuở nhỏ Hồ Quý Ly đã được một nhà sư tu hành tại chùa Trần dạy chữ và võ nghệ. Khi vua Trần Nghệ tông về Đại Lại tập hợp binh thuyền trên sông Lèn để tiến ra Thăng Long đã tạm trú ở chùa Trần. Về sau chùa Trần được tu bổ ngày một khang trang; không chỉ vậy, căn cứ từ những hiện vật được tìm thấy dưới nền móng cũ chùa Trần (gạch ngói, đồ gốm mang niên đại văn hóa thời Trần), các nhà nghiên cứu cũng tin rằng di tích được lập dựng vào thời Trần.
Từ làng Trần nhìn ra sông Lèn là cầu Đò Lèn đã đi vào lịch sử dân tộc.
Căn cứ trên văn bia thời Nguyễn hiện còn lưu giữ tại chùa Trần, hậu thế cũng hiểu thêm về ngôi cổ tự. Chùa Trần còn được biết đến với tên Phúc Linh tự, dựa lưng vào núi, “ngoảnh mặt” nhìn ra sông Lèn (một nhánh của sông Mã). Vào năm Kỷ Mùi (1859) một vị chân tu tên Tâm Định đến đây trụ trì đã cùng người dân quyết tâm cùng nhau trùng tu chùa. Đến cuối thế kỷ XIX thì gác chuông chùa Trần được xây xong. Sau đó, lần lượt các công trình bên trong chùa được trùng tu khang trang. Chùa Trần “là một công trình kiến trúc chùa chiền có quy mô bề thế và rất có giá trị về nhiều phương diện, song cho đến nay chỉ còn lại gác chuông và tấm bia Nguyễn cùng mấy “xá lị” (mộ nhà sư) xây bằng gạch” (sách Địa chí huyện Hà Trung).
Không chỉ là di tích lịch sử văn hóa, chùa Trần (gác chuông chùa Trần) còn là di tích cách mạng - nơi diễn ra sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Hà Trung. Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Tháng 10-1930, đại diện Xứ ủy Trung Kỳ đã về Hà Trung cùng với các đồng chí ở địa phương tổ chức hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Hà Trung tại gác chuông chùa Trần... Đại diện Xứ ủy đã công nhận chi bộ Đảng Cộng sản Hà Trung là chi bộ của đảng cộng sản và giao nhiệm vụ... Từ gác chuông chùa Trần, chi bộ Đảng Cộng sản Hà Trung ra đời là một tất yếu khách quan của lịch sử, là một sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu bước ngoặt và sự thay đổi về chất thật lớn lao của phong trào cách mạng Hà Trung”.
Nằm bên bờ sông Lèn, dễ hiểu vì sao làng Trần khi xưa sôi động với những chợ (chợ Chiềng) và bến đò Trần một thuở tấp nập người qua lại. Và bến Trần không chỉ là điểm dừng chân, còn là “địa chỉ” được nhắc nhớ trong loại hình dân ca đặc sắc: Hò sông Mã. Có thể kể đến: “Sáng mai rời gót bến Trần/ Đi ngang Đầm, Sét, Hồi Xuân xế chiều”, hay “Trông vào chợ búa vui thay/ Quan sang khách trọng đứng ngay bến Chiềng...”.
Dù thời gian khiến cho cảnh vật vùng đất cổ có nhiều đổi thay, song những dấu tích lịch sử, địa danh và chuyện kể thì dường như vẫn sống mãi, trở thành “nét” văn hóa của đất và người làng Trần.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
Nhận xét
Đăng nhận xét