Một số tin tức đáng chú ý: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ còn giảm mạnh; Việt Nam dùng 1,8 triệu tấn nhựa mỗi năm nhưng rác nhựa chưa xử lý tốt; TP.HCM nóng về vi phạm an toàn thực phẩm...
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ còn giảm mạnh
Tin tức từ Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 4-2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỉ USD, tăng 5,5% so với tháng 3-2023, nhưng giảm 24% so với tháng 4-2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỉ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỉ USD, giảm 36% so với cùng kỳ 2022.
Với tình hình đơn hàng sụt giảm, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ còn giảm mạnh, trong đó nửa đầu năm 2023 sẽ giảm từ 28% - 32% so với cùng kỳ 2022.
Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là do giá nhiên liệu đầu vào toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.
Ngoài ra, kinh tế thế giới hồi phục chậm, lạm phát vẫn ở mức cao dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt hàng này, đặc biệt đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.
Việt Nam dùng 1,8 triệu tấn nhựa mỗi năm nhưng rác nhựa chưa xử lý tốt
Theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhựa lớn nhất thế giới. Ước tính lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa hằng năm lên tới 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, hệ thống quản lý rác thải của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó một phần lớn rác thải nhựa đang được xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, việc thu gom và xử lý rác thải nhựa cũng chưa được triển khai đầy đủ và hiệu quả, gây khó khăn cho việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Để trong tương lai quản lý tốt vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị nhập khẩu sản phẩm bao bì, nhựa… phải đóng góp tài chính để làm chi phí thu gom, xử lý, tái chế chất thải từ nhựa.
TP.HCM nóng về vi phạm an toàn thực phẩm
Tin tức từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong tháng 5-2023, các đội quản lý thị trường của TP đã kiểm tra 4.816 vụ (272 vụ thuộc kiểm tra chuyên ngành và 4.544 vụ liên ngành).
Phát hiện, xử lý 251 vụ vi phạm (223 vụ chuyên ngành và 28 vụ liên ngành).
Trong tổng số 272 vụ kiểm tra chuyên ngành có 262 vụ đã xử lý xong (tính gộp cả kỳ trước), thu nộp ngân sách với số tiền gần 8,5 tỉ đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 1,17 tỉ đồng. Trong tháng, đơn vị đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ, trong đó có 1 vụ hàng giả và 1 vụ hàng lậu.
Theo cơ quan chức năng, trong tháng 5, nổi cộm là về vi phạm an toàn thực phẩm với 75 trường hợp, bên cạnh đó là các vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ với 68 trường hợp. Riêng đường cát, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 6 vụ vi phạm, tạm giữ 672kg đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đặc biệt, thực hiện "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" (từ 15-4 đến 15-5), cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 83 vụ, trong đó có 34 vụ vi phạm, đã tạm giữ 6.961 đơn vị sản phẩm thực phẩm không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khắc phục ùn tắc khu vực cảng Trường Thọ, TP Thủ Đức
Thời gian qua, lượng container ra vào khu vực cảng Trường Thọ (TP Thủ Đức) ngày càng lớn khiến các tuyến đường xung quanh thường xuyên ùn tắc kéo dài. Đặc biệt là khu vực kết nối với tuyến đường Xa lộ Hà Nội người dân đi lại khó khăn.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp cảng (chủ cảng) khu vực cảng Trường Thọ phải thường xuyên, trực tiếp kiểm tra hoạt động tại cảng, đặc biệt xử lý, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại cảng.
Đồng thời tăng cường trang thiết bị xếp dỡ, phương tiện thủy giải phóng nhanh hàng hóa ùn ứ, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện thủ tục giao, nhận hàng.
Thông báo cho các chủ hàng, chủ xe, lái xe dán tên cảng (Transimex, Phúc Long, Phước Long 3, Tây Nam, Sotrans) muốn ra vào, giao nhận container trên kính xe để tạo điều kiện thuận lợi khi cảnh sát giao thông điều tiết phân luồng giao thông.
Cùng với đó, các đơn vị thành lập tổ điều tiết giao thông của cảng để các cảng hỗ trợ nhau hoặc phối hợp với lực lượng chức năng điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.
Nhận xét
Đăng nhận xét