Tình hình xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và EU trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại. Do đó, tại buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chiều 12/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam cần tăng cường hợp tác xuất khẩu nông sản.
Ngày 12/5, Thứ tưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã có buổi gặp mặt và làm việc với ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Giám đốc Điều hành châu Á Tập đoàn De Heus (Hà Lan). Hai bên đã chia sẻ góc nhìn và đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu nông sản giữa doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết tình hình xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại.
"Trong quý I/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 1,4 tỷ USD). Đây là một vấn đề đáng quan tâm, và chúng tôi rất vui khi được đón tiếp các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe kiến nghị từ phía Eurocham, quan điểm của chúng tôi là làm sao thúc đẩy giao thương giữa hai bên".
Ông Gabor Fluit cho biết, với tình hình khó khăn chung của thế giới, kim ngạch xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và EU thời gian qua chỉ đạt hơn 13,7 tỷ USD, thấp hơn so với 15,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 1,2 tỷ USD.
"Sau một khoảng thời gian dài chịu tác động bởi các biến động trên thế giới, sức mua hàng của phương Tây cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, người dân chủ yếu mua các sản phẩm tiêu dùng trong nhà, ví dụ điển hình là đồ gỗ Việt Nam ghi nhận mức phát triển rất tốt" - ông Gabor nói.
Để lấy lại đà tăng trưởng trong giao thương hàng hoá nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói chung, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp cùng nhau xây dựng chuỗi nông sản an toàn từ trang trại, cánh đồng tại Việt Nam để xuất khẩu sang châu Âu. Đồng thời có thể phối hợp tổ chức diễn đàn để các doanh nghiệp và lãnh đạo phía châu Âu cùng Bộ NNPTNT trao đổi sâu hơn về hai nội dung.
Một là trao đổi các quy định về an toàn thực phẩm và các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp hội hiểu được cơ chế vận hành của ngành nông nghiệp Việt Nam. Hai là hình thành chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm giữa các doanh nghiệp của hai nước.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm: Việt Nam luôn mong muốn xây dựng được thương hiệu nông sản giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, Bộ NNPTNT đang xây dựng Đề án Một triệu ha lúa giảm phát thải khí nhà kính với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới WB. Đây là dự án đầu tiên do WB tài trợ về trồng lúa giảm phát thải.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang chỉ đạo xây dựng vùng cà phê ở Tây Nguyên và vùng trồng trái cây theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào các vùng nguyên liệu này để sản xuất ra các nông sản an toàn xuất khẩu sang châu Âu, hình thành chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm.
Về lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng mong muốn EuroCham hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường châu Âu thông qua việc kết nối, gặp gỡ các tập đoàn siêu thị lớn tại khu vực này.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Gabor đánh giá cao đề xuất của Thứ trưởng Trần Thanh Nam về việc tổ chức hội nghị giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu vào quý III/2023. Năm 2019, Bộ NNPTNT và Eurocham đã phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Nông nghiệp Bền vững Việt Nam - EU, tạo dựng tiếng vang lớn. Phía Eurocham hi vọng có thể tổ chức diễn đàn trong năm nay.
Năm 2022, châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản.
Trong đó, Việt Nam đang xuất khẩu sang châu Âu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, thủy sản, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế.
Một trong những thách thức chính đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của EU, nhất là trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các siêu thị tại EU.
"Các sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trưởng châu Âu phải đáp ứng được các yêu cầu về tăng trưởng xanh và giảm phát thải. Châu Âu cũng rất quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn dịch bệnh đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới và đánh giá cao những sáng kiến của Việt Nam trong lĩnh vực này" - ông Gabor Fluit thông tin.
Với hơn 1.300 thành viên, EuroCham trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện sở hữu 150.000 người lao động trên khắp Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu cùng hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản trong thời gian tới.
Là người có thế mạnh về nông nghiệp, bản thân ông Gabor Fluit cho biết, sẽ ưu tiên các chủ đề tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết các vấn đề về rác thải và thiếu nước...
Nhận xét
Đăng nhận xét