Đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở miền Trung. Là địa phương được xem là “chảo lửa” của tỉnh Thừa Thiên-Huế, những ngày này, lực lượng chức năng huyện Nam Đông đang “căng mình” vào công tác phòng, chống cháy rừng.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, năm 2023, dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao rất dễ gây ra cháy rừng. Bên cạnh đó, hiện nay tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, chặt phá rừng, xâm lấn rừng lấy đất sản xuất diễn ra ở nhiều địa phương và có nguy cơ bùng phát nếu không ngăn chặn kịp thời.
“Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), UBND huyện yêu cầu Công an, Quân đội, Hạt kiểm lâm, các địa phương, các đơn vị chủ rừng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, nhất là hoạt động đốt xử lý thực bì, nghiêm cấm việc đốt lửa trong rừng, ven rừng trong thời gian nắng nóng khi dự báo cháy rừng cấp 4 (cấp nguy hiểm), cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm)”, ông Phước cho biết thêm.
Lãnh đạo UBND huyện cũng yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về PCCCR đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trước khi chuẩn bị đốt xử lý thực bì. Đối với các đơn vị chủ rừng phải xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng; kịp thời khống chế đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn. Kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng trong thời điểm nắng nóng; tổ chức trực PCCCR theo quy định khi dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên.
Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân ở các xã vùng đệm, người dân ở ven rừng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. UBND huyện Nam Đông yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng để sớm phát hiện các vụ chặt phá rừng, xâm lấn rừng; thường xuyên tuần tra, truy quét bảo vệ rừng.
Những ngày qua, nắng nóng gay gắt trên diện rộng gây nguy cơ thiếu nước sản xuất ở vùng miền núi và xâm nhập mặn vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo dự báo, nắng nóng tiếp tục gia tăng cường độ ở khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ vào tháng 4-5; tháng 6-7 nắng nóng xảy ra chủ yếu ở Trung Bộ. Là địa phương có diện tích trồng lúa lớn của huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế), xã A Roàng đang đối diện nguy cơ thiếu nước sản xuất do nắng hạn kéo dài và nhiều công trình thủy lợi xuống cấp.
Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, toàn xã sản xuất khoảng 310 ha lúa/năm, trong đó vụ hè thu luôn đối diện với tình trạng thiếu nước, nhất là vùng A Roàng 1, A Roàng 2, A Mên với khoảng hơn 30 ha. Đây là khu vực có hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư năm 2008, nay đã xuống cấp. Mặt kênh bị gãy đoạn, nước thấm đáy dẫn đến không thể đưa nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng.
“Toàn xã có 27 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 10 công trình xuống cấp, hư hỏng nên nhiều diện tích lúa sản xuất chủ yếu “nhờ trời”. Trong khi đó, trên địa bàn hiện không có hồ chứa nào để tích trữ nước và nguồn vốn duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi cũng có hạn nên công tác khắc phục chỉ là tạm thời, rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp”, ông Hồ A Lua cho biết thêm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, trên địa bàn có 780 ha lúa và 87 ha nuôi trồng thủy sản đã ký hợp đồng cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp với Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác Công trình thủy lợi tỉnh. Nắng nóng kéo dài khiến lượng nước bốc hơi nhanh làm cạn kiệt khe suối, khan hiếm nguồn nước tưới, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình nay, từ đầu vụ, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác Công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch bơm dầu chống hạn trên địa bàn. Tuyên truyền vận động người dân miền núi bảo vệ các công trình đầu mối, khắc phục kênh mương nội đồng nhằm ứng phó khi hạn hán xảy ra. Quản lý chặt nguồn nước chống rò rỉ thất thoát, điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý tại các hồ chứa, đập dâng theo phương châm luân phiên…
Tình trạng hạn hán kéo dài không chỉ gây thiếu nước sản xuất ở miền núi mà còn gây nguy cơ xâm nhập mặn vùng cửa sông, đầm phá cuối vụ đông xuân do nhiều chân ruộng ven phá thấp. Tại HTX Nông nghiệp An Xuân ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), hàng năm bước vào vụ hè thu có khoảng 100 ha lúa hè thu bị xâm nhập mặn, nhiễm phèn mặn cao bởi thời tiết nắng nóng kéo dài, chân ruộng thấp hơn mặt nước phá. Ông Dương Đức Hoài Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác Công trình thủy lợi cho biết, để ứng phó với nắng hạn như hiện nay, từ đầu vụ, đơn vị đã phối hợp các địa phương quản lý vận hành đóng các đập ngăn mặn Thảo Long, Cửa Lác, cống Quan, cống Truồi, cống Mai Dương… và các cống trên đê ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước, đảm bảo nguồn nước chống hạn cho cây trồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh, các chuyên gia Bộ TN&MT, các tổ chức quốc tế cảnh báo Thừa Thiên-Huế là một trong các địa phương bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài, lượng nước bốc hơi bề mặt lớn, lượng mưa thiếu hụt nên không đủ bù đắp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt tại các sông, hồ trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo được nguồn nước dự trữ, các hồ chứa nước ngọt, hồ thủy điện, thủy lợi cần có kế hoạch sản xuất, vận hành, điều tiết hợp lý để có đủ nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân tại địa phương, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong các tháng mùa khô. Tuy nhiên, nếu các hồ không chủ động được nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và người dân cần sớm có phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất và canh tác...
Nhận xét
Đăng nhận xét