(QNO) - Tại Kỳ họp thứ 14 diễn ra sáng nay 5/5, đại biểu HĐND tỉnh thống nhất việc bãi bỏ Nghị quyết số 38 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng lại cơ chế mới phù hợp với quy định pháp luật, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng
Chưa chi hỗ trợ
Việc bãi bỏ Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 nhằm thực hiện theo kết luận của kiểm toán nhà nước.
Giải trình cho đại biểu HĐND tỉnh hiểu rõ hơn việc bãi bỏ Nghị quyết số 38 theo tờ trình của UBND tỉnh, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nói, kiểm toán nhà nước “tuýt còi” do chưa lấy ý kiến của bộ, ngành Trung ương.
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có giải trình là do tại thời điểm xây dựng nghị quyết, UBND tỉnh nhận thấy việc hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng để chủ rừng hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không phải là hỗ trợ có tính chất tiền lương, tiền công nên không thực hiện việc lấy ý kiến của các Bộ Tài chính, Nội vụ và LĐ-TB&XH theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 163/2016/NĐ-CP.
Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND xây dựng trong thời điểm các cơ chế, chính sách của Trung ương về lâm nghiệp chưa được ban hành (căn cứ Dự thảo Nghị định lần 2 của Chính phủ về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp đã dự kiến đơn giá bảo vệ rừng là 500 nghìn đồng/ha/năm).
Vì vậy, phạm vi điều chỉnh chỉ quy định đối với rừng tự nhiên trong các lưu vực thuỷ điện được chủ rừng tự quản lý bảo vệ theo hình thức Hợp đồng bảo vệ rừng và mức hỗ trợ đảm bảo mức 500 nghìn đồng/ha/năm; không điều chỉnh phần diện tích ngoài lưu vực thủy điện khi các cơ chế, chính sách về bảo vệ rừng được ban hành và có định mức thấp hơn 500 nghìn đồng/ha/năm.
Còn trên thực tế, theo ông Tích, năm 2022, các địa phương, đơn vị không sử dụng kinh phí hỗ trợ của tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND. Lý do, đơn giá dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh sau khi điều tiết tăng vọt, lưu vực có đơn giá thấp nhất đạt mức 718.000 đồng/ha/năm. Trước đó, năm 2021, tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết 38 của UBND tỉnh đã nói rất rõ, đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng rất thấp, đều dưới 500 nghìn đồng/ha/năm.
“Cho nên ngân sách tỉnh không sử dụng chi hỗ trợ thêm theo Nghị quyết 38 cho lưu vực thủy điện. Coi như Nghị quyết 38 chưa chi đồng nào từ ngân sách tỉnh” – ông Tích khẳng định.
Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Phạm Viết Tích cũng nêu quan điểm, thực hiện theo kết luận của kiểm toán nhà nước cũng là cơ hội để bãi bỏ Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh. Bởi, trên thực tế, quy định về mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh là 500 nghìn đồng/ha/năm đã không cần sử dụng nữa như các phân tích ở trên.
Sẽ nâng mức hỗ trợ trên tất cả lâm phận rừng
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là khi bãi bỏ Nghị quyết số 38 thì công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên có bị tác động?
Theo ông Phạm Viết Tích, trong lưu vực thủy điện thì đã có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng rồi. Trong thời hiện nay và các năm sau sẽ tăng mức giá chi trả lên như thế thì công tác bảo vệ rừng sẽ rất tốt. Còn đối với khu vực ngoài lưu vực thủy điện, hiện có 4 mức chi hỗ trợ theo các quy định của Trung ương.
Theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đang xây dựng dự thảo nghị quyết mới và đưa mức hỗ trợ lên 700 nghìn đồng/ha/năm trên tất cả các lâm phận rừng chứ không riêng gì lưu vực thủy điện.
Với dự thảo nghị quyết mới, nếu trong lưu vực thủy điện mà chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp hơn thì ngân sách tỉnh mới bỏ ra cho đủ bù thêm 700 nghìn đồng/ha/năm. Các nơi ở ngoài lưu vực thủy điện đang được hưởng mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/ha/năm thì sẽ được hỗ trợ thêm 600 nghìn đồng/ha/năm.
Tương tự, nơi đã hưởng 300 nghìn đồng/ha thì sẽ được hỗ trợ thêm 400 nghìn đồng/ha... Còn rừng phòng hộ ven biển thì không được hỗ trợ. Vì công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực này nhẹ nhàng hơn, được hưởng mức 450 nghìn đồng/ha là đủ rồi.
Ông Tích nói, nếu chờ Chính phủ ban hành Nghị định sẽ rất lâu, và hiện nay các chính sách hỗ trợ đối với khu vực ngoài lưu thủy điện rất thấp, chưa đủ khuyến khích công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vậy, nên ông Tích kiến nghị, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thống nhất cho trình dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 38 vừa được bãi bỏ. Việc trình này có đủ cơ sở pháp lý, trên cơ sở xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, giải quyết được đòi hỏi bức thiết trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
“Chúng ta giải trình là không có ban hành chính sách tiền lương, tiền công, tỉnh chỉ hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, để hỗ trợ cho họ đi tuần tra, bảo vệ rừng thôi” – ông Tích nói.
Thảo luận tại kỳ họp, ông Bling Mia – Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế mới thay thế Nghị quyết 38 là rất cần thiết. Nếu không sẽ gây tác động đến tâm lý ở cơ sở, khi hiện nay, công tác quản lý diện tích đất rừng tự nhiên ở các lưu vực thủy điện và các địa bàn khác đang được ổn định.
Ông Mia lưu ý, thời điểm tháng 8 và tháng 9 là bước vào mùa mưa bão. Tháng 10 người dân miền núi sẽ phát nương rẫy chuẩn bị vụ mùa và rất dễ dẫn đến nguy cơ lấn chiếm đất rừng, phá rừng. “Các cơ quan soạn thảo nghị quyết cần có quyết tâm chính trị cao để kịp trình dự thảo nghị quyết mới thay thế tại kỳ họp giữa năm tới đây của HĐND tỉnh” – ông Mia đề xuất.
Rút kinh nghiệm từ việc bãi bỏ Nghị quyết 38, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh cho rằng, việc ban hành nghị quyết mới thay thế phải tiến bộ hơn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ rừng tốt hơn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng các văn bản liên quan, nếu hoàn thành nhanh và sớm, đủ các cơ sở pháp lý thì trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường kỳ giữa năm để xem xét thông qua.
Nhận xét
Đăng nhận xét