Nguyên nhân là do với sản phẩm gỗ rừng trồng chế biến thô là dăm gỗ, thị trường Trung Quốc ngừng nhập mặt hàng này; đối với sản phẩm gỗ rừng trồng chế biến sâu như ván ghép thanh, đồ mỹ nghệ… thị trường Mỹ, Châu Âu hạn chế nhập khẩu.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn đều đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng có nhiều sản phẩm bị tồn kho, giá xuống thấp và khó xuất bán từ cuối năm 2022 đến nay. Do khó khăn trong việc xuất khẩu nên hiện nay Công ty cổ phần Tiến Phong ở huyện Gio Linh còn tồn kho khoảng 20.000 tấn dăm gỗ khô, 40.000 tấn dăm gỗ tươi.
Đại diện Công ty Cổ phần Tiến Phong cho biết, sản phẩm dăm gỗ tồn kho là do gặp khó khăn về xuất khẩu, khi các thị trường trên thế giới ngừng hoặc hạn chế nhập khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, giá xuất khẩu dăm gỗ cũng giảm mạnh từ 180 USD/tấn đến nay chỉ còn khoảng 140 USD/tấn.
Tình trạng này của các doanh nghiệp cũng khiến người trồng ở Quảng Trị gặp khó khăn khi giá gỗ giảm và khó bán. Giá gỗ rừng trồng hiện chỉ còn hơn 800.000 đồng/tấn, so với gần 1,5 triệu đồng/tấn cùng thời điểm năm 2022. Giá gỗ rừng trồng xuống thấp nhưng người dân cũng khó bán, bởi doanh nghiệp còn tồn kho nhiều sản phẩm nên hạn chế thu mua gỗ để chế biến.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị: Tháng 5 đến, đơn vị phối hợp cùng với các sở, ngành khác sẽ tiến kiểm tra, ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, sau đó tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 245.000 ha rừng; trong đó có gần 120.000 ha rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác bình quân từ 900.000 – 1 triệu m3/năm. Đáng chú ý, đến cuối tháng 4/2023, tỉnh có trên 23.000 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, đứng đầu cả nước về loại rừng này.
Diện tích rừng trồng nói chung và rừng trồng gỗ lớn FSC nói riêng đã và đang cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho 35 nhà máy và trên 120 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản; trong đó, chủ yếu sản xuất dăm gỗ, ván ghép thanh, ván lạng, đồ gỗ nội thất, đồ mộc gia dụng.
Các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng ở Quảng Trị ngoài tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu sang các nước như, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu. Trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng là nghề mà tỉnh Quảng Trị có thế mạnh.
Rừng trồng sau 4 năm có thể thu hoạch và bán được khoảng 60 triệu đồng/ha, trừ chi phí ban đầu thu lãi 45 triệu đồng/ha. Để duy trì vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị trồng mới khoảng 8.000 ha rừng, trong đó chủ yếu là các giống keo lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét