VOV.VN - Sau khi sắp xếp, tổ chức lại lực lượng bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam tập trung các giải pháp phát triển kinh tế bền vững dựa vào rừng, hỗ trợ người dân tại 197 xã có rừng ổn định cuộc sống. Việc tạo sinh kế cho người dân vùng đệm không chỉ giúp hàng vạn hộ dân hưởng lợi từ rừng mà còn góp phần hạn chế tình trạng xâm hại rừng.
Vườn Quốc gia sông Thanh nằm trên địa phận 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Gần 300 nhân viên bảo vệ rừng ở đây thường xuyên tuần tra bảo vệ gần 80 ngàn héc ta rừng nguyên sinh. Hầu hết những người tham gia bảo vệ rừng tại đây là người dân tại 12 xã vùng đệm của Vườn Quốc gia thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Tỉnh Quảng Nam có chính sách ưu tiên tuyển dụng người địa phương vào lực lượng bảo vệ rừng, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Ngoài những thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nhiều người từng sống bằng nghề khai thác gỗ trái phép cũng được tuyển dụng, đào tạo thành nhân viên giữ rừng.
Ông Blúp Chương, người Cơ Tu ở huyện Nam Giang làm nhân viên bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Sông Thanh cho rằng, người dân bản địa nắm rõ địa hình, thông thuộc từng đường mòn, lối mở trong rừng nên thuận lợi hơn cho công việc giữ rừng.
“Bảo vệ rừng là trả nợ lại cho rừng. Trước đây nhiều bà con chưa hiểu, họ vì cái lợi trước mắt, nghe theo kẻ xấu vào rừng tàn phá, chặt hạ cây cối. Sau một thời gian tham gia bảo vệ rừng mới thấy được ý nghĩa,” ông BLúp Chương nói.
Tỉnh Quảng Nam có hơn nửa triệu héc ta rừng tự nhiên. Đa số những cánh rừng đã có chủ và được quản lý chặt chẽ. Người dân vùng đệm các khu bảo tồn và vườn quốc gia đã đồng loạt bán trâu kéo gỗ. Thay vì đi kéo gỗ thuê một ngày được 200 ngàn đồng như trước đây, chính quyền tỉnh Quảng Nam hỗ trợ hàng vạn hộ dân vùng đệm phát triển kinh tế.
Huyện Nam Giang, địa phương có diện tích rừng lớn đã nhân rộng các mô hình kinh tế như: Trồng dược liệu tại vườn nhà, chăn nuôi heo bản địa, dệt thổ cẩm, nuôi ong… Những mô hình này phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao, giúp cuộc sống người dân miền núi có nhiều đổi thay.
“Chừ nuôi trâu đẻ thôi để bán thịt. Trâu kéo thì không còn sử dụng nữa. Hiện cuộc sống người dân địa phương bám vào nương rẫy, trồng lúa, keo, đậu…”, ông Alăng Rươi chia sẻ.
Từ thực tế nhiều vụ phá rừng quy mô lớn từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bộc lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, thực tế tại địa phương cho thấy khi Nhà nước hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả thì tình trạng phá rừng đã giảm đáng kể.
“Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu từ Trung ương, tỉnh, huyện chúng tôi xây dựng đề án phát triển sản xuất cho người dân, nhất là người dân, cộng đồng dân cư sống ở khu vực bìa rừng để đời sống người dân nâng cao lên từ đó giảm tác động vào rừng. Một trong số những đề án đang triển khai rất hiệu quả là Đề án trồng rừng gỗ lớn”, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định.
Hiện nay, 11 Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ươm các loài cây giống như: Dổi ăn hạt, quế, xoan… cấp phát cho người dân vùng đệm trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai đồng loạt chương trình phát triển dược liệu tại 9 huyện miền núi, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngoài nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Quảng Nam còn tranh thủ nguồn lực của các dự án để tạo sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tập trung giữ cho bằng được diện tích rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên.
Theo ông Lê Trí Thanh, thay vì chặn đường người dân vào rừng lấy gỗ trái phép thì tỉnh đã mở hướng sinh kế bền vững dựa vào rừng, giúp bà con thoát nghèo từ các mô hình kinh tế rừng.
“Tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực, tích cực chuyển đổi mô hình, thay đổi phương thức quản lý, bảo vệ rừng. Vừa tăng cường trách nhiệm của cộng đồng đồng thời hình thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban Quản lý rừng. Tôi tin rằng với các làm quyết liệt đó cùng với sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn thì chắc chắn rằng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét