Hơn 300 cây gỗ rừng tự nhiên từ nhóm 4 đến nhóm 8 bị chặt hạ trái phép, khối lượng hơn 170 m3 gỗ, diện tích rừng bị chặt phá gần 3 héc-ta... Vụ phá rừng với quy mô lớn vừa được phát hiện tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho thấy, còn có" lỗ hổng" trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương này.
Phát hiện vụ phá rừng với quy mô lớn
Lực lượng chức năng huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) vừa phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn, với thủ đoạn khá tinh vi. Các đối tượng phá rừng đã lựa chọn các cây gỗ tự nhiên có đường kính lớn để chặt hạ.
Các cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ trái phép nằm la liệt trong rừng. |
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Chợ Đồn, ngày 5/4/2023, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực rừng Ba Bồ, tiếp giáp với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Nam (Công ty Hoàng Nam), địa phận giáp ranh giữa thôn Nà Tùm và thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, Hạt Kiểm lâm huyện đã báo cáo lên UBND huyện Chợ Đồn, đồng thời, phối hợp với Công an huyện, VKSND huyện Chợ Đồn và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.
Lực lượng chức năng thu giữ gần 7 m3 gỗ đã được xẻ thành khuân. |
Bước đầu, cơ quan chức năng huyện Chợ Đồn xác định hơn 170m3 gỗ tròn, từ nhóm 4 đến nhóm 8 bị chặt hạ trái pháp luật. Trong đó, khối lượng gỗ nằm tại hiện trường trong rừng là hơn 103m3; khối lượng gỗ đã được đưa ra khỏi hiện trường, tập kết tại bãi và khu vực nhà lớn có máy xẻ gỗ là gần 67m3 (trong đó, khối lượng gỗ đã được chế biến, xẻ thành khuân, hộp là 6,32m3).
Cơ quan chức năng xác định, hơn 170 m3 gỗ tròn, từ nhóm 4 đến nhóm 8 bị chặt hạ trái pháp luật. |
Cơ quan chức năng xác định, vị trí đặt máy cưa xẻ ở cạnh đường đi vào khu máy nhà máy luyện chì của Công ty Hoàng Nam và chiếc máy cưa xẻ này sử dụng dòng điện 3 pha, nguồn điện được lấy trực tiếp từ trạm biến áp của Nhà máy luyện chì - Công ty Hoàng Nam; đồng thời xác định, diện tích rừng bị xâm hại là 2,8 héc-ta, tại các lô: 148, 152, 153, 160, 173, khoảnh 11, tiểu khu 189, được quy hoạch chức năng là rừng sản xuất, trạng thái thực tế là rừng tự nhiên.
Theo hồ sơ quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu bản đồ thì chủ quản lý của 5 lô rừng này là của 5 hộ gia đình (cùng ở tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn). Tuy nhiên, quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định, hiện tại, 5 hộ gia đình đã bán toàn bộ các lô rừng này cho người khác (là người của Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Hoàng Nam).
Vị trí đặt máy cưa xẻ ngay cạnh Nhà máy luyện chì của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Nam. |
Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn, quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ 2 xe máy kéo nông nghiệp (xe tắc tơ), 3 xe máy, 1 bộ máy cưa xẻ gắn mô tơ điện là tang vật của các đối tượng liên quan đến việc khai thác rừng trái pháp luật.
Trong 5 ngày (từ 6 - 10/4), Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thu hồi vật chứng là hơn 170 m3 gỗ về nơi bảo quản an toàn; đồng thời tiếp tục phối hợp thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, tiến hành mời, gọi các đối tượng liên quan đến việc khai thác rừng trái pháp luật đến để đấu tranh, làm rõ.
Hơn 170 m3 gỗ tang vật được lực lượng chức năng huyện Chợ Đồn thu giữ về nơi bảo quản. |
Trao đổi với PV Bảo vệ pháp luật, ông Trần Quốc Hiệu - Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Ngay khi phát hiện vụ việc phá rừng, UBND xã đã huy động lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng của huyện vào hiện trường, bảo vệ, phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, kiểm đếm, thu gom lâm sản, vận chuyển tang vật về nơi bảo quản an toàn. “Họ không chặt phá liền cả bạt rừng mà họ chỉ chọn lựa những cây gỗ lớn để chặt hạ", ông Hiệu cho biết.
Theo ông Hiệu, khu vực rừng bị phá được quy hoạch là rừng sản xuất nhưng trạng thái thực tế hiện vẫn là rừng tự nhiên. Vì vậy, các cây gỗ tự nhiên trong khu rừng này bị cấm khai thác tuyệt đối. Ông Hiệu cho biết: Theo quy định của pháp luật, nếu muốn chặt hạ những cây gỗ tự nhiên này thì phải báo cáo, xin ý kiến và được sự đồng ý, cho phép của cấp có thẩm quyền thì mới được chặt hạ.
Các đối tượng lâm tặc chỉ chọn lựa những cây gỗ lớn để chặt hạ. |
Cũng theo ông Hiệu, khu vực rừng bị chặt phá trái pháp luật nằm giữa thôn Nà Tùm và Cốc Thử (xã Ngọc Phái). Để vào được khu rừng này chỉ có con đường độc đạo duy nhất là đi qua Nhà máy luyện chì của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam. Vì vậy, công tác tuần tra, bảo vệ rừng ở khu vực này gặp nhiều khó khăn khi Công ty Hoàng Nam thường xuyên gây khó khăn, ngăn cản lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng không cho đi qua nhà máy. “Những lần như vậy, chúng tôi đều phải gọi điện cho lãnh đạo công ty để xin phép cho đi nhờ thì mới được đi”, ông Hiệu chia sẻ..
“Diện tích rừng bị chặt phá trái phép, theo hồ sơ quản lý trước đây đứng tên 5 hộ dân, đều là người địa phương. Từ năm 2016 - 2018, các hộ dân đã bán rừng cho bà Vũ Thị Hằng – Giám đốc Công ty Hoàng Nam. Tất cả các hợp đồng chuyển nhượng đều đứng tên bà Vũ Thị Hằng”, ông Hiệu khẳng định.
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Nam do bà Vũ Thị Hằng làm giám đốc. |
Cũng trao đổi với PV Bảo vệ pháp luật, ông Vũ Văn Thịnh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chợ Đồn cho biết, ngay khi phát hiện vụ phá rừng, Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng phá rừng. Khi được triệu tập đến làm việc, các chủ rừng cũ đều khai nhận đã bán các lô rừng của họ cho bà Vũ Thị Hằng và cung cấp hồ sơ mua bán cho cơ quan Công an.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ và triệu tập 16 đối tượng lên làm việc. Theo đó, các đối tượng phá rừng có thủ đoạn rất tinh vi, phân công nhiệm vụ rõ ràng; 12 đối tượng được thuê chuyên khai thác gỗ và vận chuyển gỗ về bãi tập kết; 4 đối tượng được thuê để chế biến lâm sản, xẻ gỗ thành khuân, hộp. Các đối tượng khai nhận, thông qua ông Đ. (trú tại tổ 16, xã Ngọc Phái) đứng ra nhận “công việc khai thác gỗ" từ cuối tháng 3/2023.
Quá trình điều tra, ông Đinh Ngọc S. - nhân viên Công ty TNHH thương lại dịch vụ Hoàng Nam đã đứng ra nhận là chủ chiếc máy cưa xẻ. |
"Quá trình điều tra, ông Đinh Ngọc S. đã đứng ra nhận là chủ chiếc máy cưa xẻ. Ông S. là em trai chồng bà Hằng, đồng thời cũng là nhân viên trong Công ty Hoàng Nam. Còn ai là người chỉ đạo ông S. thuê người phá rừng, xẻ gỗ thì cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ”, ông Thịnh cho biết.
Đồng chí Nguyễn Cao Thắng - Viện trưởng VKSND huyện Chợ Đồn trao đổi với PV. |
Viện trưởng VKSND huyện Chợ Đồn Nguyễn Cao Thắng cho biết, nhận được tin báo về vụ phá rừng quy mô lớn tại địa bàn xã Ngọc Phái, VKSND huyện Chợ Đồn đã nhanh chóng cử Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Đồn, tiến hành khám nghiệm hiện trường, kiểm đếm khối lượng lâm sản bị chặt hạ trái phép, kiểm sát điều tra, xác minh làm rõ các đối phá rừng trái pháp luật để xử lý theo quy định của pháp luật. "Quan điểm của Viện kiểm sát là tất cả các đối tượng vi phạm pháp luật đều bị xử lý, không có vùng cấm, không ngoại lệ", Viện trưởng VKSND huyện Chợ Đồn khẳng định.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.
Nhận xét
Đăng nhận xét