Như Thanh là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tỉ lệ lớn, có đầy đủ điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người để phát triển ngành lâm nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã phát huy thế mạnh trồng rừng gỗ lớn từng bước mang lại lợi ích kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống cho các hộ gia đình, giảm nghèo bền vững.
Ngành Lâm Nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng hệ thống sinh học, cung cấp lâm sản, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt cho người dân miền núi.
Huyện Như Thanh có địa hình đồi núi thấp, lớp đất mặt dầy, thuận lợi cho phát triển rừng trồng gỗ lớn. Năm 2016 qua khảo sát, toàn huyện có diện tích rừng trồng gỗ thuộc rừng sản xuất là 13.445,8 ha, trong đó có hơn 300 ha rừng trồng gỗ lớn, chiếm tỷ lệ rất ít trong rừng trồng gỗ. Cây trồng chủ yếu là Keo, Xoan ta; rừng được trồng theo phương thức quảng canh là chính, thời gian từ lúc trồng đến lúc khai thác ngắn (5-6 năm). Vì vậy năng xuất, chất lượng cây trồng/ ha đất lâm nghiệp rất thấp; rừng tự nhiên nghèo về trữ lượng, chủ yếu là các cây gỗ tái sinh và cây bụi. Nhiều loài cây gỗ quý hiếm như Lim xanh, trước đây có diện tích, trữ lượng lớn, mọc tập trung thì hiện nay chỉ còn lại rất ít, chủ yếu là cây tái sinh.
Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện Như Thanh chưa có bước đột phá; rừng trồng tuy có tăng về diện tích, nhưng năng xuất, chất lượng cây trồng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tự nhiên đem lại, huyện chưa có chiến lược phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn. Bên cạnh đó, nhân dân chưa hưởng ứng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh để tăng năng xuất, chu kỳ kinh doanh, khai thác rừng trồng ngắn; các sản phẩm lâm sản sau khai thác, chế biến chủ yếu vẫn ở dạng thô, chưa có các sản phẩm dạng tinh. Vì vậy giá trị rừng trồng trên một đơn vị diện tích chưa được nâng cao.
Loài cây gỗ quý hiếm (Lim Xanh) trong rừng tự nhiên của huyện Như Thanh bị khai thác cạn kiệt; công tác quy hoạch, khoanh nuôi, phục tráng rừng Lim xanh tái sinh chưa được quan tâm đúng mức.
Để đưa kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển đột phá, nâng cao sản lượng, giá trị rừng trồng; để bảo tồn nguồn gen quý hiếm, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; để thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, việc xây dựng đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi, phục tráng rừng Lim xanh tái sinh là rất cần thiết.
Năm 2016, huyện Như Thanh đã xây dựng Đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn; Khoanh nuôi, phục tráng rừng Lim xanh tái sinh Huyện Như Thanh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”. Từ đó tới nay, hằng năm ngành Lâm Nghiệp đóng góp rất lớn trong ổn định kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tính từ năm 2017 đến nay, huyện Như Thanh đã triển khai dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Cụ thể, trên cơ sở việc điều tra, khảo sát thực địa để xác định địa danh, chủ rừng có diện tích rừng trồng gỗ nhỏ, vận động tuyên truyền hộ gia đình đăng ký chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn; sau 5 năm thực hiện toàn huyện đã hình thành và phát triển ổn định 4.231 ha rừng trồng gỗ lớn; bảo vệ, khoanh nuôi, phục tráng được 92,9ha/60ha, đạt 154,83% kế hoạch.
Đề án được triển khai và thực hiện đã làm thay đổi cơ bản về ý thức, nhận thức của cán bộ Đảng viên, chủ rừng, nhân dân đặc biệt là nhận thức của những gia đình có đất lâm nghiệp về hiệu quả, giá trị kinh doanh lâm nghiệp khi trồng và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Vì vậy nhiều hộ gia đình, chủ rừng đã đăng ký và thực hiện trồng rừng gỗ lớn; đầu tư kinh phí, nhân lực để thực hiện. Nhiều hộ gia đình tự nguyện đăng ký tham gia khoanh nuôi, bảo vệ, xúc tiến tái sinh đối với diện tích có cây Lim. Năng suất, giá trị rừng trồng gỗ lớn đã khai thác nâng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Gia đình ông Lê Mai Lô, thôn Đồng Yên, xã Mậu Lâm, đã tham gia chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn theo đề án của huyện từ năm 2017 tới nay. Ông Lô cho biết: Năm 2017 gia đình tôi được chính quyền xã và huyện vận động tham gia đăng ký chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành gỗ lớn. Ban đầu, gia đình tôi chỉ đăng ký 10ha, chủ yếu là trồng keo. Trước đây chỉ khoảng 5 năm đã thu hoạch, giá trị kinh tế thấp vì chỉ bán làm keo băm. Sau khi được tuyên truyền gia đình tôi đã trồng thưa, chăm sóc cẩn thận hơn, để cây có thể sinh trưởng phát triển tối ưu nhất. Tới nay nhiều cây keo đã có đường kính tới một người ôm, giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Hiện, 30ha đất của gia đình chủ yếu trồng keo đã có thời gian 6-7 năm.
Theo ông Lô, việc thu hoạch sớm giá trị kinh tế rất thấp, nếu cũng cây keo nhưng trồng từ 8-10 năm giá trị kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Nhờ việc thay đổi nhận thức trong canh tác, trồng rừng gia đình ông tự tin sẽ có nguồn thu nhập ổn định và lớn trong những năm tiếp theo.
Ông Lương Hồng Sỹ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh cho biết: Việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Nhất là việc trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Từ đó, mang lại lợi ích lớn trong phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, đặc biệt khi mùa mưa đến sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt.
Nhận xét
Đăng nhận xét