“Cây các bạn đang trồng sẽ lớn lên, cho quả để cho voi và các loài thú khác trong khu rừng này ăn”. Trong khoảng không quang đãng của rừng Đồng Nai, khu dự trữ sinh quyển quốc gia, chị Đỗ Thị Thanh Huyền hào hứng giới thiệu trong lúc lăng xăng giúp đỡ các nhóm bạn trẻ đang trồng cây. Lần đó, 250 người trẻ của Intel Việt Nam đã cùng nhau phủ 1.000 cây xanh thuộc 5 loại cây ăn quả và gỗ quý bản địa cho khu rừng Đồng Nai.
Đó là câu chuyện của mùa mưa năm 2019. Bốn năm sau, vẫn với vẻ tràn đầy năng lượng, mái tóc xù ngang vai đặc trưng, vẫn chiếc áo thun màu xanh lá cây phối cùng chiếc quần ống rộng nhiều màu sắc, người thành lập Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Gaia liên tục chạy đi chạy lại giữa những cánh rừng và các nhà máy. Bằng cách tổ chức trồng rừng, chị kết nối thiên nhiên với những con người làm việc trong các nhà máy, văn phòng, thậm chí cả gia đình của họ. Từ chỗ chỉ làm việc với 2 doanh nghiệp vào năm 2018, đến cuối năm 2022, con số này đã tăng lên gấp 21 lần. Chỉ trong năm 2022, Gaia đã trồng được gần 71.000 cây trên 6 khu rừng đầu nguồn trải dài khắp đất nước và 40 ha rừng Cà Mau, với mức hấp thụ khoảng 99-123 tấn CO2 mỗi ha, tùy vào vị trí và đặc điểm của khu rừng.
Việc doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (NGO) để làm CSR không mới. “Việc này đã bắt đầu từ 10 năm trước. Bây giờ người ta đã nói đến CSV”, anh Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam, trả lời NCĐT. Dù phục vụ cho khái niệm nào, sự liên kết với doanh nghiệp đều mang lại nguồn tài chính bền vững cho hoạt động của các tổ chức xã hội.
“Lúc thành lập Gaia năm 2016, tôi không nghĩ sẽ làm việc với doanh nghiệp”, chị Huyền hồi tưởng lại khoảng thời gian vất vả phải xoay xở với ngân sách eo hẹp, không ổn định của các khoản tài trợ. Hơn 2 thập kỷ làm bảo tồn trước đó, các tổ chức ít khi phối hợp với doanh nghiệp, thậm chí họ còn khắt khe trong việc nhận tài trợ với suy nghĩ nếu nhận sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hoạt động buôn bán kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó làm cho tác động đến thiên nhiên càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, chị Huyền phát hiện có nhiều nơi dành hẳn một bộ phận chuyên trách về CSR. “Họ coi thiên nhiên là một nguồn vốn để đầu tư vào”, chị cho biết. Tuy nhận thấy có những doanh nghiệp làm vì nghĩ hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sẽ được lợi, chị nghĩ ít nhất trên con đường đó họ cũng mang lại lợi ích cho thiên nhiên. Có những doanh nghiệp bền bỉ đi với Gaia nhiều năm, tuy số tiền không nhiều. Có doanh nghiệp cam kết lâu dài trong 5-7 năm, nhưng cũng có nơi chỉ làm một lần thôi nhưng diện tích rừng trồng được rất nhiều.
Vẫn còn một số lo ngại về việc hợp tác giữa tổ chức xã hội và doanh nghiệp hay lo ngại doanh nghiệp sẽ có những hành động gây hại đến môi trường nhiều hơn sau khi tin rằng mình đã làm được điều tốt. Trong buổi tập huấn do RED Communication tổ chức cho các CSO (giám đốc bền vững) và doanh nghiệp để tạo ra những liên minh tạo giá trị chung (CSV), khi có một sáng kiến giải quyết thực phẩm bị lãng phí, người điều phối buổi học đã cảnh báo thực phẩm có thể sẽ bị lãng phí nhiều hơn sau sáng kiến này vì đã có đầu ra. “Điều quan trọng là trong mối quan hệ, các bên đều giữ được bản sắc, nhân dạng và mục tiêu của mình”, bà Bùi Thị Minh Châu, Quản lý dự án, Pro NGO!, tư vấn trong buổi tập huấn.
Việc trồng rừng cũng có nhiều tổ chức khác thực hiện ngoài Gaia. Thế nhưng, Gaia thường được lựa chọn vì tính giáo dục cao. HSBC Việt Nam, một đối tác lâu năm của Gaia, muốn thông qua hoạt động trồng rừng để lan tỏa tinh thần và kiến thức về bảo tồn thiên nhiên cho gia đình và người thân của nhân viên. “Khi được hỏi “Trồng cây vất vả như thế, lần sau con có đi nữa không?”, nhiều em nhỏ hào hứng bày tỏ mong muốn tiếp tục được tham gia những chương trình tương tự như vậy”, bà Bùi Mỹ Trang, phụ trách hoạt động bền vững tại HSBC Việt Nam, nói về trải nghiệm đã ghi nhận được sau các chuyến đi.
Với mỗi mục tiêu CSR, doanh nghiệp sẽ lựa chọn các đối tác khác nhau. Trở lại với HSBC Việt Nam, họ chọn Gaia vì thế mạnh trong việc giáo dục khi muốn nâng cao ý thức của nhân viên. Còn để trồng rừng ở phạm vi rộng hơn để tạo ra tác động đủ lớn như mong đợi, họ đi cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).
Intel đã trở lại khoảng rừng Đồng Nai họ đã trồng sau 3 năm. Lúc này, những cây con đã cao gần gấp 3 lần trước đó, nhưng dây leo và cỏ dại cũng lớn lên cùng chúng. “Dù rất tiếc vì dây leo cũng là một phần của hệ sinh thái rừng, nhưng khi ấy tụi chị phải cắt dây leo để các cây con phát triển”, chị Huyền kể về việc chăm sóc cho những cây đã trồng. Tại các khu rừng xa như Xuân Liên, Bến En, việc chăm sóc cây phải nhờ cậy đến đội ngũ kiểm lâm. Liên tục trong 4 năm, Gaia nỗ lực chăm sóc cây đã trồng để đảm bảo tỉ lệ sống hơn 80%.
“Trồng bao nhiêu cây không quan trọng bằng có bao nhiêu cây sống sót”, chị Huyền chia sẻ khi được hỏi về khả năng trồng được 1 tỉ cây xanh theo đề án của Chính phủ. Cũng vì lẽ đó, mùa trồng rừng ở Gaia cũng ngắn ngủi, gói gọn trong một mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 ở miền Nam và 2 thời điểm mưa nhiều ở miền Bắc vào tháng 2, tháng 3 và tháng 7, tháng 8 hằng năm.
Một tin vui là Gaia của chị Huyền vừa nhận thêm một cam kết tài trợ khoảng 6.000 cây rừng, tương đương với 6 ha rừng trồng tại rừng Xuân Liên và rừng Cà Mau từ Central Retail và P&G.
Nhận xét
Đăng nhận xét