Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21.5.1973 – 21.5.2023) Gìn giữ màu xanh nơi biên cương Tổ quốc
BHG - Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện hiệu quả phương châm: Thường xuyên bám dân, bám rừng, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng; ngành Kiểm lâm (KL) nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã ghi dấu son sáng, tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của KL Việt Nam; khẳng định vai trò nòng cốt gìn giữ màu xanh nơi biên cương Tổ quốc.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng. |
Ngày 21.5.1973 ghi dấu son lịch sử, trở thành ngày truyền thống của lực lượng KL Việt Nam khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 101 quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng KL nhân dân. Cùng với sự ra đời của KL nhân dân Việt Nam, ngày 11.4.1974, Tổng cục Lâm nghiệp ban hành Quyết định 460 về việc thành lập Chi cục KL nhân dân tỉnh Hà Giang trực thuộc Cục KL nhân dân, hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Hành chính tỉnh. Đến nay, tổ chức và hoạt động, hiện nay, bộ máy Chi cục KL đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả (theo tinh thần Nghị quyết 18, ngày 25.10.2017 của BCH T.Ư Đảng) gồm: 11 Hạt KL cấp huyện, thành phố, 1 Đội KL cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), 2 Hạt KL rừng đặc dụng, 4 phòng chuyên môn, 22 Trạm KL trực thuộc Hạt KL. Toàn ngành có gần 230 công chức, người lao động; trong đó, trình độ chuyên môn đại học và sau đại học chiếm 88,5%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 40%.
Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, Bùi Văn Đông chia sẻ: Phát huy vai trò “chiến sĩ” tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng KL đã tích cực tham mưu UBND cùng cấp thực hiện quy hoạch phân khu 3 loại rừng; quy hoạch phân khu chức năng của các khu rừng đặc dụng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 576.000 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó, diện tích có rừng là hơn 464.000 ha, còn lại là diện tích chưa có rừng). Hàng năm, Chi cục KL đã tổ chức theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, rà soát, thống kê, kiểm kê rừng; xác định diện tích, ranh giới các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn, phát triển và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, gần 103.500 ha rừng đã được giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, lực lượng vũ trang, gia đình, cộng đồng dân cư và tổ chức kinh tế quản lý. Đây là bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), làm cho rừng có chủ, người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển, làm giàu từ diện tích rừng được giao.
Hiện nay, tỉnh ta có tổng diện tích rừng đặc dụng lên đến hơn 59.500 ha, bao gồm 7 khu (5 khu Bảo tồn thiên nhiên, 1 khu bảo vệ cảnh quan và 1 Vườn quốc gia) trên địa bàn 7 huyện. Các khu rừng này có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như: Bách xanh, Bách vàng, Sến mật, Thông tre, Dổi xanh, Đinh, Trai… và là nơi có loài linh trưởng Voọc mũi hếch được bảo tồn nghiêm ngặt. Xác định rừng đặc dụng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng, đồng thời là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật quý hiếm; do đó, lực lượng KL đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Nhờ vậy, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm rừng trái phép được kiểm soát; xóa bỏ nhiều điểm “nóng” về phá rừng.
Mặt khác, thực hiện phương châm “BVR tại gốc”, Chi cục KL tỉnh đã tăng cường lực lượng KL địa bàn để bám nắm cơ sở, trực tiếp quản lý đến các thôn, xã có nhiều rừng tự nhiên; xây dựng các trạm, chốt BVR tại địa bàn xung yếu. Tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng phá rừng, khai thác rừng, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Những năm gần đây, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp và mức độ thiệt hại tài nguyên rừng có chiều hướng giảm mạnh; không còn tình trạng lâm tặc ngang nhiên phá rừng mà không được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời; không để xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác quản lý, BVR, lực lượng KL còn làm tốt công tác phát triển rừng. Chỉ từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh trồng mới 12,8/19,7 triệu cây xanh, đạt 64,9%; trồng 6.017/13.560 ha rừng sau khai thác, đạt 45% so với chỉ tiêu Nghị quyết 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Không những vậy, ngành KL còn tham mưu cấp ủy, chính quyền tỉnh tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua các chương phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là chính sách hỗ trợ khoán BVR, hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc rừng trồng, hỗ trợ gạo BVR... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư về quản lý, BVR, thực hiện trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh và sử dụng cây giống tốt.
Đặc biệt, trong bối cảnh lực lượng “mỏng”, địa bàn quản lý rộng, ngành KL đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hỗ trợ công tác quản lý, BVR. Đó là các phần mềm ứng dụng: Tạo lập cơ sở dữ liệu diễn biến rừng, theo dõi vi phạm pháp luật, quản lý tài chính; triển khai lắp đặt Trạm vệ tinh viễn thám (MODIS) phục vụ việc theo dõi diễn biến rừng, phát hiện các điểm cháy trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ ứng dụng CNTT, những thông tin về diễn biến rừng được số hóa, chính xác, minh bạch, đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương, làm cơ sở tham mưu cho UBND các cấp công bố số liệu hiện trạng rừng trên địa bàn, phục vụ đắc lực công tác quản lý, BVR, phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng... Riêng phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng dựa trên công nghệ ảnh vệ tinh nên mọi điểm cháy trên địa bàn tỉnh được phát hiện và thông báo bằng tin nhắn (vị trí tên xã, huyện, tiểu khu, khoảnh, lô) qua điện thoại di động thông minh đến cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, giúp các cấp, ngành nhanh chóng nắm bắt, chỉ đạo và xác minh kịp thời, nâng cao tính chủ động trong công tác PCCCR. Chính vì vậy, số vụ cháy rừng giảm đáng kể; 5 năm gần đây chỉ xảy ra 3 vụ, có năm không xảy ra tình trạng cháy rừng. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 58,58%.
Thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến nay, lực lượng KL nơi địa đầu Tổ quốc đã khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng chủ động vượt qua khó khăn, thử thách nơi núi cao, rừng sâu, sự chống trả quyết liệt của lâm tặc và những cám dỗ về vật chất để gìn giữ màu xanh của núi rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên cho con người. Qua đó, không chỉ đáp ứng tốt hơn 5 tiêu chí: KL gắn với rừng; tinh thông nghiệp vụ; không vi phạm pháp luật; gần dân, trọng dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nhận xét
Đăng nhận xét