Trước đây, có nhiều người vào rừng chặt trộm cây để về dựng nhà. Tuy nhiên, khi cất dựng nhà lên thì xảy ra nhiều chuyện không may.
Khi những cánh rừng ở nơi thâm sơn cùng cốc cũng bị người ta triệt hạ, thì ngạc nhiên thay, ngay giữa khu dân cư đông đúc lại tồn tại một cánh rừng nguyên sinh với những gốc cây gỗ quý tồn tại hàng trăm năm qua.
Rừng trong làng, làng trong rừng
Cánh rừng nguyên sinh Lòi Chùa chỉ cách nhà các hộ dân mỗi con đường đất rộng 2m
Nhắc đến rừng, thường người ta nghĩ đến nơi non cao trùng điệp, hoang vu vắng vẻ ít người qua lại. Nhưng khu rừng nguyên sinh Lòi Chùa ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lại nằm ngay sát làng dân cư trù phú.
Ấy vậy mà, rừng Lòi Chùa với đầy đủ hệ thống thảm thực vật, chim muông, thú rừng; các cây gỗ quý tồn tại hàng trăm năm không hề bị chặt phá, xâm phạm.
Những ngày đầu tháng 5, PV Báo Giao thông tìm về xã Nam Trạch, để tìm hiểu câu chuyện kỳ lạ trên, cũng là phần nào lý giải vì sao người dân có thể giữ được rừng suốt hàng trăm năm qua.
Từ cổng UBND xã Nam Trạch, di chuyển qua cây cầu bê tông bắc qua sông Dinh, theo trục chính tuyến đường liên xã Nam Trạch rồi rẽ vào con đường đất khoảng 200m lọt đủ chiếc xe ô tô là đến bìa rừng.
Vạt rừng xanh um của rừng nguyên sinh chỉ cách các nhà dân con đường đất bề rộng chừng 2m, nên những ngôi nhà yên bình nằm nép mình bên dưới những tán cây khổng lồ.
Theo ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Nam Trạch, khu rừng nguyên sinh có tên gọi là Lòi Chùa với diện tích còn lại đến nay khoảng 4,2ha do UBND xã Nam Trạch quản lý.
Theo chân ông Nhân vào sâu trong khu rừng Lòi Chùa, dễ dàng bắt gặp từng đàn gà rừng cặm cụi cào bới kiếm ăn.
Những đàn gà rừng dường như đã quá quen với sự hiện diện của con người nên không bỏ chạy hay lẩn tránh. Cạnh đấy là những con sóc tinh nghịch đang dừng lại nghe ngóng khi thấy bước chân người. Và ở phía trên những tán lá là vô vàn các loài chim rừng đua nhau hót.
“Ở đây “rừng trong làng, làng trong rừng”, người dân sống bên cạnh rừng, đi lại thường xuyên trong rừng và bảo vệ rừng như báu vật”, ông Nhân cho hay.
Theo vị Phó chủ tịch xã, nhờ sự bảo vệ của người dân nơi này, khu rừng nguyên sinh với nhiều giống cây quý như: Huỵnh, dổi, ngát, chăm, phao lái, bài lài, trám..., đường kính từ 0,5 - 1,5m vẫn nguyên vẹn, sinh trưởng tốt. Đặc biệt, có nhiều gốc cây với đường kính chu vi phải 3 vòng tay người lớn mới ôm xuể, cao hàng chục mét như những chiếc ô xanh khổng lồ.
Theo ông Nhân, sở dĩ được gọi là rừng Lòi Chùa vì trước đây trong rừng có một ngôi chùa nhỏ, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, hội họp của người dân trong làng.
Các cụ cao niên ở thôn Đông Thành kể, hàng tháng, cứ đến dịp ngày Rằm, mồng Một hoặc lễ, Tết là bà con trong thôn đến chùa thắp hương và làm những việc theo lệ làng.
“Rừng tàn làng mạt”
Những thân cây khổng lồ, 2 vòng tay người lớn ôm không xuể
Cụ ông Đinh Công Tung (83 tuổi, thôn Đồng Thanh), người đã có cả đời gắn bó với rừng Lòi Chùa kể: “Tôi lớn lên đã thấy khu rừng này rồi, cha ông chúng tôi cũng không rõ khu rừng này hình thành từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cả thôn Đông Thành nhờ khu rừng này nên bao nhiêu giông gió, bão táp mưa sa từ phía Bắc thổi về khi qua khu rừng này đều được hóa giải.
Người dân chúng tôi được hít thở bầu không khí trong lành, được uống thứ nước nguồn trong mát, được che chắn mỗi khi bão về là nhờ cánh rừng Lòi Chùa này. Ai ở đây cũng ví, Lòi Chùa như sải tay người mẹ che chở, ôm ấp đàn con thơ...”.
Theo người dân địa phương, ngày trước, khi đời sống người dân còn đói kém, có nhiều người dân trong và ngoài làng đã vào rừng chặt trộm cây để về dựng nhà. Tuy nhiên, khi cất dựng nhà lên thì xảy ra nhiều chuyện không may. Ai cũng cho rằng, do những người đó chặt cây trong rừng thiêng nên bị rừng “phạt”.
Từ đó, người dân trong làng, cũng như ngoài làng chẳng ai dám bén mảng đến rừng Lòi Chùa chặt gỗ. Thậm chí, khi vào rừng họ cũng không dám săn bắn, hay nhặt gỗ mục về để làm củi.
Dần dần, người dân ra sức bảo vệ rừng, không cho kẻ xấu xâm hại dù chỉ là một vài cây gỗ nhỏ. Bởi vì, đối với họ, “rừng tàn làng mạt”, nên việc giữ gìn, bảo vệ rừng đã được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Đi dưới tán rừng cổ thụ, ông Nhân kể, thời điểm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khu rừng này là nơi ẩn náu của nhiều đơn vị bộ đội để Nam tiến. Để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện, bộ đội đã cùng với dân quân địa phương đào nhiều hệ thống giao thông hào và các hầm lớn để giấu xe tăng.
Trong ký ức của cụ Tung, những năm 60 của thế kỷ trước, giặc Mỹ điều máy bay đánh phá ác liệt các trung tâm đầu não chính quyền tỉnh Quảng Bình. Trước tình thế đó, Tỉnh ủy Quảng Bình và một số cơ quan đoàn thể đã về xây dựng các khu nhà tạm tại đây để duy trì hoạt động.
“Thời đó tôi còn thanh niên, dưới tàn rừng xanh mát này, nhiều tổ chức như bệnh viện dã chiến, chính quyền tỉnh Quảng Bình về đây hoạt đông, sinh hoạt đông vui lắm”, cụ Tung kể.
Trải qua bao biến cố thời gian, giờ những giao thông hào, hay hầm tăng mà bộ đội đào ngày xưa chỉ còn sót lại vài chứng tích hầm ngoằn ngoèo luồn dưới những bộ rễ cây rậm rạp.
Ông Võ Công Húy (SN 1958, thôn Đồng Thành), là người có uy tín được người dân cử ra để trông nom khu rừng cho biết, ông trông nom khu rừng này từ năm 2012, trước ông đã có 6 người trông coi khác.
“Công việc chủ yếu của tôi là vài ngày đi kiểm tra khu rừng một lần, nếu có vấn đề gì bất trắc phải lập tức báo về cho lãnh đạo xã để có phương án xử lý. Trước kia, tiền công cho mỗi người giữ rừng như tôi là vài ký gạo mỗi tháng. Sau này, điều kiện khá lên thì xã có hỗ trợ mỗi tháng vài trăm nghìn. Nhưng chúng tôi canh giữ rừng là cho mình, cho cả dòng họ, cho con cháu sau này”, ông Huy cho hay.
Ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết, những khu rừng còn nguyên vẹn đến bây giờ là điểm để liên kết với các vùng khác phát triển du lịch cộng đồng. Hiện, xã vẫn đang tìm phương án khả thi để phát triển.
“Nếu có cơ hội, những cánh rừng sẽ là nơi thu hút du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại lý tưởng. Bà con đang gìn giữ để mai sau con cháu sẽ có cách hưởng lợi từ rừng này”, ông Nhân chia sẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét