Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thông tin, địa phương đã đề nghị Phòng NNPTNT và Hạt Kiểm lâm huyện vào tiểu khu 653 và 671 ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa để xác minh, có báo cáo giải trình về việc cây rừng tái sinh bị đốn hạ sau phản ánh của báo Lao Động.
Giám sát chặt?
Liên quan đến việc đốn hạ nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên ở tiểu khu 653 và 671 ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - tìm hiểu của Lao Động cho thấy, trước khi xảy ra vụ việc, vào cuối năm 2021, UBND Hướng Hóa đã thành lập tổ giám sát khai thác rừng trồng do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 bàn giao cho huyện.
Cụ thể, tổ giám sát gồm 5 cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa; 2 cán bộ Phòng NNPTNT huyện Hướng Hóa; 1 cán bộ Phòng TNMT huyện; 1 cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch; xã Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng mỗi xã 1 cán bộ.
Phòng NNPTNT huyện Hướng Hóa được giao chủ trì tổ giám sát trên với mục tiêu quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác rừng trồng theo đúng diện tích, trữ lượng đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt. Kinh phí để duy trì hoạt động cho tổ giám sát kể trên là 225 triệu đồng.
Tổ giám sát đầy đủ các đơn vị, kinh phí hoạt động cũng không ít, nhưng cây rừng tái sinh tự nhiên vẫn bị cưa cắt trong khoảng thời gian dài, trên diện tích lớn.
Bên cạnh đó, quá trình khai thác rừng trồng ở 2 tiểu khu 653 và 671, các xe vận chuyển gỗ phải di chuyển quãng đường hàng chục km, qua các trạm kiểm lâm và chốt bảo vệ. Nên nếu khai thác gỗ cây rừng tự nhiên, vận chuyển ra ngoài rất khó qua mặt được cơ quan chức năng.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, các xe chở gỗ không chỉ qua mặt được tổ giám sát, mà các chốt, trạm dọc đường cũng êm xuôi. Vậy tổ giám sát trên có thực hiện đúng nhiệm vụ được giao?
Kiểm tra, xử lý thông tin Báo Lao Động nêu
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, trước khi khai thác rừng trồng ở tiểu khu 653 và 671, Sở NNPTNT tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ khai thác cây keo, sao đen trên diện tích lô đưa vào thiết kế khai thác.
Thậm chí, Sở NNPTNT tỉnh còn hướng dẫn tận tình, khi chặt cây phải mở miệng cho đổ vào phía trong để khỏi ảnh hưởng đến khu rừng ngoài khai thác. Đồng thời nhấn mạnh không được khai thác ngoài diện tích thiết kế và những cây không có trong hồ sơ thiết kế khai thác.
Văn bản hướng dẫn cụ thể như vậy, nhưng cây rừng vẫn đổ xuống. Vì vậy, ngay khi Báo Lao Động có phản ánh, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản, đề nghị UBND huyện Hướng Hóa và Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa tìm hiểu, xác minh các thông tin báo nêu để có biện pháp xử lý.
Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: "Tôi đã yêu cầu các đơn vị rà soát, có báo cáo làm rõ. Khi có thông tin cụ thể sẽ thông tin lại".
Trước đó, Báo Lao Động đã có bài viết “Cận cảnh hành vi ngang nhiên phá cây rừng tái sinh tự nhiên ở Quảng Trị” và “Rừng tái sinh tự nhiên bị đốn hạ la liệt, cơ quan chức năng ở đâu?” - phản ánh tại tiểu khu 653 và 671 đang diễn ra hoạt động khai thác rừng trồng, nhưng đơn vị được cấp phép khai thác lại đốn hạ cả cây rừng tự nhiên.
Ở 2 tiểu khu trồng cây keo tràm và cây sao đen bằng nguồn vốn dự án 661 do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 triển khai. Trên diện tích đất này, ngoài rừng trồng còn có nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên sinh sôi, phát triển mạnh.
Sau đó, đất và rừng ở 2 tiểu khu được phê duyệt phương án chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất và được bàn giao cho UBND huyện Hướng Hóa quản lý. Sau khi nhận quản lý, UBND huyện Hướng Hóa tổ chức khai thác, thanh lý diện tích rừng trồng. Từ đó xảy ra tình trạng khai thác rừng trồng, đốn hạ luôn cây rừng tái sinh tự nhiên.
Đọc bài gốc tại đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét