Với quyết tâm nhanh chóng làm rõ vụ phá rừng quy mô lớn, Kiểm sát viên VKSND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã cùng với các cơ quan chức năng băng qua các cánh rừng hiểm trở để vào hiện trường truy tìm các dấu vết của “lâm tặc”. Sau nhiều ngày “dầm mưa, dãi nắng”, nếm trải cái lạnh lẽo giữa rừng sâu để phá án, lực lượng chức năng đã đưa 14 đối tượng ra trước ánh sáng pháp luật.
Kiểm sát viên đấu trí trong vụ án có nhiều cán bộ tiếp tay cho “trùm” gỗ lậu
Chuyện chưa kể vụ "hồ tiêu trộn pin" và hành trình đấu trí của Kiểm sát viên
Bản lĩnh thép của KSV trong vụ án 20 cán bộ ngân hàng “dính” vòng lao lý
Hành trình phá án qua lời kể của Kiểm sát viên
“Lâm tặc” phá rừng quy mô lớn
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk liên tục xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn và gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến vụ hàng chục đối tượng vào rừng tự nhiên khai thác hơn 57m3 gỗ trái phép, xảy ra tại tiểu khu 1174, thuộc địa phận xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông.
Gỗ được "lâm tặc" tập kết ngay bìa rừng. |
Được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát vụ phá rừng nói trên, đồng chí Lê Thanh Niềm, Kiểm sát viên VKSND huyện Krông Bông cho biết, vụ phá rừng tự nhiên tại tiểu khu 1174 được lực lượng chức năng phát hiện và bắt quả tang vào lúc 23h ngày 12/6/2020. Tuy nhiên, để đưa hành vi phạm tội của các đối tượng ra trước ánh sáng pháp luật, các Điều tra viên, Kiểm sát viên đã gặp không ít khó khăn, thách thức.
Ngay sau khi được lãnh đạo đơn vị phân công, Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm đã nhanh chóng tham gia đoàn công tác liên ngành của huyện để thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Thế nhưng, việc di chuyển tới hiện trường vụ phá rừng diễn ra không mấy dễ dàng đối với lực lượng chức năng. Bởi hiện trường vụ phá rừng nằm sâu trong rừng nguyên sinh, nơi địa hình rất dốc, hiểm trở, trong khi thời tiết mưa to liên tục.
Với quyết tâm nhanh chóng làm sáng tỏ vụ phá rừng, Kiểm sát viên đã cùng với các lực lượng chức năng lội bộ suốt nhiều ngày trên hành trình băng qua những cánh rừng để vào hiện trường vụ phá rừng. Trong quá trình di chuyển, mỗi người phải mang theo nhiều vật dụng, thức ăn nên không ít cán bộ trượt ngã, quần áo lấm lem bùn đất.
Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm lội suối để đến hiện trường vụ phá rừng. |
Qua công tác khám nghiệm hiện trường trong nhiều ngày, Kiểm sát viên nhận thấy, đây là vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn huyện. Khu vực khai thác lâm sản diễn ra trên diện tích rộng lớn, trải dài ở nhiều vị trí, có đến 10 điểm tập kết ở cách xa nhau.
Cũng qua các dấu vết tại hiện trường, cơ quan chức năng nhận định, có rất nhiều đối tượng tham gia và đã khai thác trái phép lâm sản trong một thời gian dài, công cụ, phương tiện phục vụ cho việc khai thác được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong quá trình khám nghiệm, Cơ quan CSĐT đã phát hiện 2 lán trại, thu giữ 2 xe máy cày độ chế, 4 sợi dây cáp bằng kim loại dài hàng trăm mét, cưa xăng...
Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm chia sẻ, để tìm ra những dấu vết quan trọng trong vụ phá rừng, lực lượng chức năng đã phải nếm trải nhiều đêm lạnh lẽo giữa rừng sâu, muỗi, vắt tấn công khắp cơ thể.
Làm rõ đối tượng cầm đầu
Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở đó. Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm cho hay, thời điểm phát hiện, bắt quả tang, lực lượng chức năng đã tạm giữ được 3 đối tượng tham gia phá rừng tại tiểu khu 1174. Quá trình đấu tranh, các đối tượng này không phủ nhận hành vi khai thác lâm sản trái phép.
Kiểm sát viên và Điều tra viên đi qua đoạn dốc, hiểm trở, trơn trợt do mưa trong quá trình khám nghiệm. |
Thế nhưng, thách thức đặt ra không nhỏ cho các ngành chức năng là xác định nhân thân, lai lịch của những người tham gia khai thác lâm sản trái phép. Bởi nhiều đối tượng trong vụ án này là người dân tộc thiểu số được thuê đi khai thác gỗ nhưng không biết rõ thông tin về người cầm đầu đứng sau hành vi phá rừng của các nhóm lâm tặc. Mặt khác, các đối đượng tham gia khai thác gỗ trái phép được chia làm nhiều nhóm, nhiều công đoạn khác nhau, có nhiều người không tham gia liên tục... Do đó, việc truy vết, điều tra của cơ quan Công an và bản thân Kiểm sát viên gặp rất nhiều trở ngại.
Để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã đề nghị cơ quan điều tra từng bước phân loại vai trò, nhiệm vụ và khối lượng gỗ mà từng đối tượng tham gia khai thác để đánh giá đúng mức độ hành vi phạm tội.
Sau một thời gian đấu tranh quyết liệt, không kể ngày đêm, Kiểm sát viên đã cùng với cơ quan điều tra từng bước làm sáng tỏ vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên và đưa tất cả các đối tượng tham gia phá rừng ra trước ánh sáng pháp luật. Trong đó, đối tượng cầm đầu vụ phá rừng quy mô lớn nói trên là Lê Ngọc Phúc (SN 1973, trú tại xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) biết mình không thể lẩn trốn được mãi nên cũng đã đến cơ quan Công an đầu thú.
Hiện trường vụ phá rừng tại địa phận xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. |
Kết quả điều tra cho thấy, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến ngày 12/6/2020, đối tượng Phúc đã thuê 13 người vào khu vực tiểu khu 1174, rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc địa phận xã Hòa Lễ để khai thác trái phép 01 cây gỗ thông lá dẹt thuộc nhóm IIA quý hiếm; 1 cây gỗ xoan đào; 1 cây gỗ Phay và 8 cây gỗ giổi thuộc nhóm III thông thường. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép hơn 57 m3 đã quy tròn và khoảng 3-4 m3 đã bán.
Theo Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm, trong vụ án này, Phúc là người giữ vai trò chủ mưu. Theo đó, Phúc là người chuẩn bị công cụ, phương tiện, thức ăn phục vụ cho việc khai thác lâm sản, trực tiếp chọn cây gỗ để cưa hạ, hướng dẫn quy cách kích thước gỗ xẻ để các đối tượng còn lại xẻ gỗ. Mặt khác, việc chuyển gỗ về tiêu thụ thì Phúc cũng trực tiếp hưởng lợi, chỉ trả tiền công theo ngày cho người được Phúc thuê khai thác.
Trên cơ sở kết quả điều tra và cáo trạng của VKSND đã truy tố, ngày 23/9/2021, TAND huyện Krông Bông đã đưa vụ án hình sự ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Ngọc Phúc và 13 đồng phạm, về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232 BLHS.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt 14 bị cáo nói trên với tổng mức án hơn 40 năm tù. Trong đó, bị cáo Lê Ngọc Phúc lãnh mức án 8 năm tù.
Tiến hành khám nghiệm hiện trường. |
Từ kết quả giải quyết vụ án nói trên, Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm cho hay, những năm gần đây, tình trạng tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tài nguyên rừng và lâm sản, làm ảnh hưởng xấu tới trật tự trị an trên địa bàn huyện. Đồng thời, làm giảm mật độ che phủ của rừng, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân cũng như môi trường sống của các loài động, thực vật, gây nên những hậu quả rất lớn.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để bảo vệ rừng có hiệu quả, Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm cho rằng, chính quyền cần thực hiện các biện pháp chỉ đạo lực lượng Công an, Hạt Kiểm lâm huyện và Công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, truy quét nhất là các điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản; mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến rừng và lâm sản nói riêng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Không chỉ vậy, cần củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng tại các xã. Đồng thời, phân công, phân nhiệm từng địa bàn phụ trách cho các thành viên để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn.
Cũng theo Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm, trên địa bàn huyện có diện tích rừng rất lớn, tuy nhiên có nhiều đơn vị chủ rừng tham gia quản lý, bảo vệ, trong đó có hình thức quản lý bảo vệ rừng theo nhóm hộ, việc này chưa hiệu quả. Vì vậy, cần có các chế tài rõ hơn, cụ thể hơn để xử lý khi có vi phạm.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người hiểu, biết được ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng. Bên cạnh đó, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định về quản lý bảo vệ rừng và lâm sản, kịp thời cung cấp thông tin về các đối tượng vi phạm và tội phạm liên quan đến tài nguyên rừng và lâm sản cho cơ quan chức năng để đấu tranh xử lý, ngăn chặn phòng ngừa vi phạm và tội phạm.
“Việc tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực này hết sức quan trọng. Bởi huyện Krông Bông có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống ven rừng, trình độ hiểu biết pháp luật thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều người tham gia phá rừng để mưu sinh” – Kiểm sát viên Lê Thanh Niềm chia sẻ.
Trước thực trạng rừng liên tục bị phá, VKSND huyện Krông Bông đã ban hành văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện này có biện pháp chỉ đạo phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn./. |
Nhận xét
Đăng nhận xét