Trong bối cảnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trì trệ, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu trong 4 tháng đầu năm nay và để “cứu” ngành gỗ thoát khỏi cảnh ế ẩm, HAWA kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như giúp ngành gỗ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở ngoài được bền vững và hiệu quả hơn.
Không phải xúc tiến thương mại ở đâu xa, chỉ cần khai thác hiệu quả thị trường nội địa |
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 4/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,088 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng trước, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 776,958 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,907 tỷ USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,607 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài rất quan trọng đối với ngành gỗ
Theo phân tích của Agro@info, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng bởi các yếu tố, như: Lạm phát ở Hoa Kỳ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, và kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn.
Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Hoa Kỳ ngang nhau, ở mức 31%. Các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023.
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu đồ gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong hiệp hội giảm sâu ở các thị trường, dù trong tháng 3 tình hình có vẻ khá hơn tháng 2 và tháng 4 nhích nhẹ (0,5%) nhờ Hội chợ VIFA EXPO 2023 đã thu hút được khá đông khách hàng quốc tế, và có tín hiệu khách bắt đầu đặt hàng trở lại tuy còn rất ít nhưng không có nghĩa là không có hy vọng.
Dự kiến, tình hình cuối năm có thể không quá sáng sủa nhưng vẫn có những biến tính tích cực, và để chuẩn bị cho các đơn hàng lớn ngoài việc giảm chi phí, giảm khó khăn cho doanh nghiệp vấn đề trước mắt là tập trung thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) ở các thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ gỗ TP.HCM (HAWA) |
Ông Phó chủ tịch HAWA cho rằng, công tác XTTM có ba nhiệm vụ chính đó là: Nghiên cứu thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu của khách hàng; tổ chức hội chợ. Hiệp hội đã nghiên cứu hoạt động của các hiệp hội đối thủ nước ngoài trong ngành gỗ.
Cụ thể, Ba Lan tổ chức hẳn 02 hội đồng XTTM ngành gỗ và các vật liệu gỗ để tổ chức hàng loạt các hội chợ trong nước, cũng như tổ chức nhiều hoạt động XTTM ra các nước. Năm 2022, dự hội chợ Dubai các doanh nghiệp Ba Lan chiếm rất nhiều các gian hàng triển lãm, trong khi đó Việt Nam chỉ đi tham quan.
“Do vậy, HAWA đề nghị Bộ Công thương ủng hộ và giúp quy hoạch các hội chợ chặt chẽ để nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng hệ thống XTTM ngành hàng được bền vững, tuy các hội chợ trong nước rất thuận lợi nhưng XTTM ra nước ngoài cũng rất quan trọng”, Giám đốc Công ty Danh Mộc nói.
Cần chú trọng phát triển thị trường 100 triệu dân trong nước
Đối với đề nghị hỗ trợ ngành gỗ XTTM ra nước ngoài, ông Lê Hồng Tài, Phó cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương) cho biết, định hướng chung hoạt động XTTM hỗ trợ doanh nghiệp là phải đa dạng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã ký trong thời gian qua, đặc biệt là xuất khẩu vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trong khối ASEAN, cũng như tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng còn rất dồi dào như: Hoa Kỳ, Nga, các nước Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.
“Để góp phần tháo gỡ khó khăn hiện nay, chúng tôi khuyến nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp không phải XTTM ở đâu xa để mất nhiều thời gian và chi phí, mà xúc tiến ngay thị trường 100 triệu dân trong nước cũng là một thị trường tiêu thụ hết sức tiềm năng.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và tận dụng tối đa lợi thế về độ mở thương mại trong nước. Hạn chế các tác động tiêu cực, biến cố rủi ro về chính trị, kinh tế quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài”, ông Phó cục trưởng Cục XTTM nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã xây dựng định hướng đề xuất với các hiệp hội ngành hàng, cụ thể đối với việc XTTM của các ngành hàng như sau:
Thứ nhất, Bộ Công thương đã bố trí kinh phí hỗ trợ từ chương trình XTTM Quốc gia và chỉ hỗ trợ một phần kinh phí XTTM, vì nhà nước không thể đi XTTM hết cho các doanh nghiệp mà các doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch XTTM cho riêng mình, và trên cơ sở đó hiệp hội phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chương trình XTTM cho phù hợp.
“Trong những tháng còn lại trong năm 2023 cũng như trong thời gian tới, Cục XTTM khuyến nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp nên lựa chọn từng mặt hàng, ngành hàng để chọn hình thức XTTM. Lưu ý, cần phải xây dựng kế hoạch XTTM phù hợp với lĩnh vực của đơn vị mình cũng như định hướng của nhà nước”, ông Lê Hồng Tài nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét