PNO - Chứng kiến những cánh rừng pơ mu gắn liền với cuộc sống người Mông bị “cạo trọc”, ông Chống quyết tâm đi tìm cây giống, phủ xanh lại rừng.
Nhìn những cánh rừng pơ mu đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996 để bảo vệ xanh mướt ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), ít ai biết khu vực này đã từng chỉ là những ngọn đồi trọc. |
Ông Vừ Vả Chống (56 tuổi, trú xã Huồi Tụ) là người đầu tiên trong xã tiên phong trồng rừng pơ mu. Sau 2 thập niên hồi sinh cây pơ mu, nay ông Chống đã sở hữu hơn 10ha rừng pơ mu xanh tốt. |
“Cuộc sống của người Mông ở huyện Kỳ Sơn luôn gắn liền với cây pơ mu, sa mu. Ở nơi nào có 2 loài cây này thì bà con sẽ làm nhà, định cư gần đó, bởi theo quan điểm những vùng đất này sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật”, ông Chống nói và cho hay, trước năm 1990, rừng pơ mu quý hiếm gắn liền với cuộc sống, văn hoá người Mông ở địa phương này bị tàn phá nặng nề. Sau thời gian đi bộ đội trở về, ông Chống bắt đầu nhen nhóm ý tưởng hồi sinh lại cây pơ mu. |
Nghĩ là làm, ông mạnh dạn nhận một vùng đồi trọc để thực hiện ý tưởng của mình. Song vì điều kiện kinh tế không cho phép, vợ chồng ông bắt đầu ý tưởng bằng việc trồng chè xanh, nuôi heo, gà… để kiếm cái ăn hàng ngày. Vừa phát triển kinh tế, ông Chống vừa đi khắp núi đồi ở miền Tây xứ Nghệ để học kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây pơ mu, sa mu. Khi cây chè, con heo, đàn gà đã cho thu hoạch, ông Chống bán, trích một phần tiền mua cây giống pơ mu và sa mu về trồng. |
Cứ thế, những cây pơ mu, sa mu quý hiếm lần lượt được “lão gàn” người Mông ươm mầm trên những ngọn đồi. Đến nay, ông Vừ Vả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 10ha với hơn 8.000 cây pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm. |
Gỗ pơ mu rất tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng để làm đồ gia dụng. Những cây pơ mu trong rừng của ông Chống hiện đã có đường kính 40 - 50cm, nhiều cây lớn đã có thể lấy gỗ nhưng ông nói mục đích của mình là trồng cho đời con, đời cháu, nhất quyết không chặt bán. |
Cây duy nhất ông Chống bán là cây giống pơ mu, sa mu. Ai mua ông bán, thậm chí nếu cần thì cho với hy vọng người dân trồng càng nhiều rừng càng tốt. |
Dưới tán cây pơ mu, ông Chống trồng gần 3ha cây chè Shan tuyết. Được tán cây pơ mu che nắng, cây chè phát triển rất tốt. |
Ngoài chè, ông Chống còn tận dụng khí hậu mát mẻ dưới tán cây pơ mu để chăn thả bò, gà đen, heo rừng… Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình, mỗi năm giúp ông Chống bỏ túi hàng trăm triệu đồng. |
Hiệu quả của việc trồng cây pơ mu trong vườn chè thấy rõ, nhiều người dân trong xã trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo ông Chống. Nhờ vậy mà diện tích rừng pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ hiện đã được nhân rộng lên 20ha. |
Mong muốn người dân thay đổi nhận thức, từ đó trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai, ông Chống cho biết sẽ “biến” hơn 10ha rừng pơ mu và chè Shan tuyết này thành khu du lịch sinh thái, để người dân địa phương và du khách đến tham quan. |
Theo ông Hạ Bá Lỳ - Phó chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, hiện nhiều hộ dân trên địa bàn còn biết tận dụng những cánh rừng pơ mu và sa mu đẹp để phát triển du lịch cộng đồng, trở thành điểm dừng chân ở các tour, tuyến du lịch. Ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết, pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm phát triển tốt ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Huyện này cũng đang nhân rộng mô hình trồng cây pơ mu, sa mu ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng. |
Nhận xét
Đăng nhận xét