Nạn phá rừng là yếu tố chiếm 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Lệnh cấm mới của EU sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm nhập khẩu như da, dầu cọ, gỗ, ca cao…
Tháng 4.2023, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Đây được cho là bước đi mạnh mẽ hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh của châu Âu.
Các công ty sẽ chỉ được phép bán sản phẩm ở EU nếu nhà cung cấp đưa ra tuyên bố xác nhận sản phẩm không đến từ vùng đất bị phá rừng hoặc đã dẫn đến suy thoái rừng, kể cả rừng nguyên sinh không thể thay thế, sau ngày 31.12.2020.
Các quy tắc mới được thông qua này nhằm loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng của một loạt các mặt hàng hàng ngày được bán ở châu Âu. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của luật mới là: Thịt gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ (kể cả các sản phẩm có chứa, được nuôi bằng hoặc đã được tạo ra từ những sản phẩm nói trên chẳng hạn như da, sô cô la, đồ nội thất), giấy in, caosu, than củi từ các nước trên thế giới.
Những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng?
Luật không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng đã vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia có nguy cơ ảnh hưởng. Indonesia và Malaysia, các nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, đã cáo buộc EU ngăn chặn việc tiếp cận thị trường đối với sản phẩm dầu cọ. EU là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ ba thế giới.
Malaysia cho biết họ có thể ngừng xuất khẩu dầu cọ sang EU, trong khi các hộ sản xuất dầu cọ nhỏ cảnh báo họ không thể tuân thủ yêu cầu chứng minh nơi sản xuất hàng hóa bằng cách sử dụng dữ liệu định vị địa lý.
Nghị viện EU đã thông qua một thỏa thuận về các quy tắc - được các nhà đàm phán EU đồng ý vào năm ngoái. Để có thể đưa vào thực thi, các quy tắc này cần có sự chấp thuận chính thức từ các nước EU. Khi quy tắc có hiệu lực, các công ty lớn sẽ có 18 tháng để tuân thủ, còn các công ty quy mô nhỏ hơn là 24 tháng.
Doanh nghiệp không tuân thủ có thể bị phạt tới 4% doanh thu tại một quốc gia thành viên EU. Các nước EU sẽ tiến hành kiểm tra tuân thủ để thực thi các quy tắc.
Cần thiết
Nạn phá rừng là yếu tố chiếm 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, dẫn đến biến đổi khí hậu. Chính sách mới của EU được đưa ra trong tháng 4 mang tính bước ngoặt.
Nghị viện châu Âu ước tính, EU có trách nhiệm liên quan đến khoảng 10% diện tích đất bị phá rừng trên khắp hành tinh. Việc sản xuất bất hợp pháp đã thúc đẩy nạn phá rừng lớn ở các quốc gia như: Brazil, Indonesia, Malaysia, Nigeria, Congo, Ethiopia, Mexico và Guatemala.
“Người tiêu dùng châu Âu giờ đây có thể yên tâm rằng họ sẽ không còn vô tình đồng lõa với nạn phá rừng nữa” - nhà đàm phán về luật của Nghị viện châu Âu Christophe Hansen cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét