Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành (TTF) âm trở lại, vẫn lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng
Khoản lỗ lũy kế 3.072 tỷ đồng khiến cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành tiếp tục rơi vào diện cảnh báo và bị cắt margin.
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 331 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong vòng 8 quý gần đây.
Ban lãnh đạo TTF cho biết 2023 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và công ty nói riêng khi tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp cạnh tranh bằng mọi giá, làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra càng thấp.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp của TTF còn gần 72 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13,9% quý cùng kỳ thành 21,7% quý này.
Trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính đi xuống do lãi từ chênh lệch tỷ giá giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng (chủ yếu do chi phí nhân viên) khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của TTF còn 1,8 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 2,5 tỷ.
Năm 2023, Gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu 2.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 54 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, công ty mới thực hiện được gần 5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh âm gần 12 tỷ đồng sau hai quý liền trước dương (quý III/2022 dương 268 tỷ và quý IV/2022 dương 280 tỷ).
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư quý I/2023 âm gần 20 tỷ đồng, giảm so với con số âm 60 tỷ đồng cùng kỳ chủ yếu do không còn phải chi tiền đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Quý I/2022, TTF đã rót vốn vào hai công ty là Natuzzi và Tekcom.
Còn dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 3 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Qua đó, lưu chuyển tiền và tương đương tiền trong kỳ của doanh nghiệp âm gần 29 tỷ đồng, giảm so với mức âm 67 tỷ quý I/2022.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của TTF tăng 44 tỷ đồng so với đầu năm lên 3.050 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho gần 645 tỷ đồng, và phải trích lập dự phòng giảm giá 123 tỷ. TTF cho biết một phần giá trị hàng tồn kho đã được dùng để thế chấp nhằm đảm bảo cho các khoản vay của nhóm TTF.
Các khoản phải thu ngắn hạn cuối kỳ là 769 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản với dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 441 tỷ đồng.
Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của TTF tính đến cuối quý I hơn 191 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang rót gần 360 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Ba tháng đầu năm, khoản tiền này đem về cho công ty gần 7 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu nguồn vốn, trong 2.621 tỷ đồng tổng nợ phải trả, TTF ghi nhận 1.366 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn và dài hạn, chủ yếu đến từ CTCP Vinhomes.
Nói thêm, vào tháng 5/2017, TTF được chọn là nhà cung cấp chiến lược sản phẩm gỗ thành phẩm cho các dự án của Vinhomes và các công ty con với tổng giá trị dự kiến lên đến 16.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Vinhomes đã đặt cọc tại TTF số tiền 1.032 tỷ đồng với lãi suất thả nổi. Tại ngày 31/3, TTF phải chi ra 222 tỷ đồng tiền lãi cho khoản ứng trước từ Vinhomes.
Cuối kỳ, TTF đang đi vay 38 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Số lỗ lũy kế tại cuối tháng 3 xấp xỉ 3.073 tỷ đồng đã ăn mòn vốn chủ sở hữu của TTF còn 429 tỷ.
Nhận xét
Đăng nhận xét