Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 18/05/2023 06:00 GMT+7
VTV.vn - Cứ mỗi phút, thế giới mất đi một khu rừng có diện tích bằng 10 sân bóng đá. Mỗi năm, nạn phá rừng khiến thế giới mất 13 triệu ha rừng.
Liên minh châu Âu hôm qua đã chính thức thông qua luật mới, mang tính lịch sử, cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng. Đây là một động thái đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực toàn cầu thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo luật mới, các công ty đưa những sản phẩm làm từ gia súc, cà phê, đậu nành và một số mặt hàng khác tới châu Âu sẽ phải cung cấp chứng nhận sản phẩm của họ không phải là kết quả của việc chặt phá rừng tự nhiên, từ sau năm 2021. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, có thể chịu mức phạt lên tới 4% doanh thu.
Nhà chức trách EU sẽ thực hiện các quy trình kiểm tra tùy theo xếp hạng tiêu chí rủi ro mất rừng của quốc gia xuất khẩu, từ cao, trung bình tới thấp. Nếu một nước được tính là có mức độ phá rừng thấp, thì nông sản từ nước đó vào châu Âu sẽ ít bị thẩm định hơn.
Các quy tắc mới này nhằm loại bỏ những yếu tố liên quan nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng một loạt mặt hàng tiêu dùng hàng ngày bán ở châu Âu. EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nêu trên lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Các hoạt động sản xuất phi pháp đã làm gia tăng tình trạng phá rừng ở nhiều nước như Brazil, Indonesia, Malaysia, Nigeria, CHDC Congo, Ethiopia, Mexico và Guatemala.
Các chuyên gia đánh giá, nếu được thực thi một cách hiệu quả, luật này có thể giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính do phá rừng nhiệt đới để lấy thực phẩm và các mặt hàng khác. Và nó có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học quan trọng cũng như nguồn nước trong các khu rừng nhiệt đới.
Các khu rừng trên khắp thế giới đang ngày càng bị đe dọa
Rừng giúp loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển một cách tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các khu rừng trên khắp thế giới đang ngày càng bị đe dọa do tình trạng chặt phá rừng để lấy gỗ và làm nông nghiệp, trong đó có trồng đỗ tương và cây cọ dầu.
Cứ mỗi phút trôi qua, thế giới mất đi một khu rừng có diện tích bằng 10 sân bóng đá. Còn mỗi năm, nạn phá rừng khiến thế giới mất 13 triệu ha rừng, tương đương diện tích của Bồ Đào Nha. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên hợp quốc. Điều này làm tăng 6 tỷ tấn CO2 một năm, gấp 3,6 lần lượng khí thải của các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp tại EU trong năm 2010. Nghị viện châu Âu ước tính, EU có trách nhiệm liên quan đến khoảng 10% diện tích đất rừng bị chặt phá trên khắp hành tinh.
EU cấm các sản phẩm liên quan phá rừng
Nghị viện châu Âu định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè...) đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam có nguy cơ bị liệt vào khái niệm suy thoái rừng.
Theo luật mới, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa hay được nuôi và được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này (như thức ăn gia cầm gia súc, da, chocolate, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ). Có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước Liên minh châu Âu hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật mới.
Tại nhiều quốc gia nông nghiệp được xác định là nguyên nhân chính của nạn phá rừng trong đó chăn thả gia súc gây ra gần 40% nạn phá rừng toàn cầu, còn 50% rừng toàn cầu bị phá là vì mục đích trồng trọt. Nhiều năm qua Liên minh châu Âu đã và đang ưu tiên phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc phát thải khí CO2 và tạo ra nông sản có lợi cho sức khỏe con người.
Các nhà sản xuất châu Âu đã áp dụng các quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu này dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, khiến nông sản được sản xuất ở các nước châu Âu có giá cao hơn. Bởi vậy quy định này còn được cho là giúp các nhà sản xuất và nông sản châu Âu có môi trường cạnh tranh công bằng với nông sản từ các nước khác tại thị trường châu Âu. Quy định cũng ngăn khả năng các nhà sản xuất châu Âu chuyển hoạt động sang các nước thứ ba và xuất ngược sản phẩm trở lại châu Âu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới vừa cảnh báo, hiện có 66% khả năng thế giới sẽ lần đầu tiên vượt qua ngưỡng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thời gian từ nay đến năm 2027. Khả năng này đang gia tăng do khí thải từ các hoạt động của con người, cộng với hiện tượng thời tiết El Nino dự kiến xảy ra vào mùa hè này. Cảnh báo này một lần nữa cho thấy sự cấp bách phải có các hành động cụ thể, mạnh mẽ để cắt giảm mạnh phát thải, hạn chế đà nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, EU sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các nước sản xuất để đảm bảo họ có thể thích ứng với luật mới mà không làm tổn hại đến nền kinh tế và sinh kế của người dân. Ví dụ như các biện pháp khuyến khích các nhóm dễ bị tổn thương (như nông dân sản xuất nhỏ chuyển sang các hoạt động không phá rừng), đảm bảo họ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi này.
Nhận xét
Đăng nhận xét