Mất nhiều năm mới hình thành các khoảnh rừng tái sinh tự nhiên, nhưng tại huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị đang diễn ra trình trạng mập mờ khai thác rừng trồng, rồi phá rừng tái sinh.
Khai thác cây rừng tái sinh?
2 năm nay, tiểu khu 653 và 671 ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) diễn ra hoạt động khai thác rừng trồng. Tuy nhiên, đơn vị được cấp phép khai thác lại đốn hạ cả cây rừng tự nhiên.
Ông Hồ Văn H (trú tại thôn Ra Ly Rào) cho biết, ở thôn, nhiều gia đình thiếu đất sản xuất, nhưng lâu nay không dám vào 2 tiểu khu 653 và 671 phá rừng để lấy đất, vì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, một đơn vị đưa xe vào ủi đường, ủi đến đâu cắt cây đến đấy.
“Họ không chỉ cắt rừng trồng, mà cây rừng cũng cắt luôn. Cắt xong thì cho lên xe chở đi, nhưng không thấy ai nhắc nhở xử lý gì cả” – ông Hồ Văn H, cho hay.
Vì thấy đơn vị khai thác cưa cắt được cây rừng, nên nhiều hộ dân ở thôn Ra Ly Rào cũng vào 2 tiểu khu trên chặt các cây tái sinh còn lại, rồi chiếm đất để sản xuất.
Tiểu khu 653 và 671 cách trung tâm huyện Hướng Hóa hơn 30km, đường xa, nhưng di chuyển vào 2 tiểu khu không quá khó khăn.
Từ chỉ dẫn của người dân, chúng tôi di chuyển theo nhiều tuyến đường mòn mới mở hằn lốp bánh xe ôtô tải dẫn sâu vào 2 tiểu khu. Dọc đường đi, đã thấy nhiều dấu vết của cây rừng tự nhiên bị đốn hạ.
Rẽ vào một con đường mòn mới được san ủi còn nguyên vết bánh xe, chúng tôi tiếp cận địa điểm có tọa độ E00542389 - N01853221.
Hơn 3 tháng trước, địa điểm này có một khoảnh rừng xanh tốt với nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên có đường kính từ 10cm đến 35cm. Tuy nhiên, có mặt tại đây vào cuối tháng 4.2023, khoảnh rừng trước kia nay trơ trọi, chỉ còn lại các gốc cây cùng cành nhánh loại nhỏ. Phần gỗ và cành lớn đã bị cưa cắt, đưa đi đâu không rõ.
Rẽ sang một con đường mòn khác, tiếp cận tọa độ E00542785 - N01852449 cũng chứng kiến cảnh tương tự - cây rừng tái sinh tự nhiên biến mất, chỉ còn lại gốc cây. Ở cạnh địa điểm này, trước kia cây rừng tái sinh tự nhiên mọc khá dày, có đường kính trung bình khoảng 20cm, nhưng nay chỉ còn lác đác vài cây.
Tiếp tục đi vào một con đường mòn khác, tại tọa độ E00542859 - N01852396, các cây rừng tái sinh tự nhiên cũng bị đốn hạ như ở 2 tọa độ trước.
Đặc biệt, cạnh đường đi, có nhiều gốc cây sau sau đường kính lớn bị cưa hạ. Để tránh bị phát hiện, người ta dùng lá cây che chắn đi phần gốc cây. Như tại tọa độ E00540208 - N01853276, một cây sau sau có đường kính hơn cả mét bị cưa cắt từ lâu, nhưng vẫn còn tồn tại phần gốc cây...
Thời điểm có mặt ở các địa điểm trên, các khoảnh rừng trong 2 tiểu khu vẫn đang vang lên tiếng máy cưa. Tiếp cận một địa điểm, chúng tôi chứng kiến xe ủi đang cày đường, cạnh đó là cảnh người khai thác vừa đốn hạ keo tràm, vừa xén luôn cây rừng tái sinh tự nhiên là sau sau.
Sau khi đốn hạ, các cây được cưa cắt thành đoạn, cành lớn cũng được tập kết ra đường. Gỗ được chất lên xe ôtô tải, phía ngoài và bên trên là gỗ keo tràm, ở giữa là gỗ rừng. Giữa trưa hoặc chiều tối, xe ôtô tải mới nổ máy di chuyển ra phía đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đưa gỗ đi tiêu thụ.
Chỉ được khai thác gỗ rừng trồng
Tìm hiểu được biết, trước năm 2020, tiểu khu 653 và 671 thuộc đất và rừng phòng hộ do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 quản lý. Vào năm 2005 và 2006, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã trồng cây keo tràm và cây sao đen bằng nguồn vốn dự án 661 ở 2 tiểu khu với diện tích 381,56ha.
Tháng 2.2020, diện tích rừng và đất rừng trên được phê duyệt phương án chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất.
Sau khi được chuyển đổi, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã bàn giao đất và rừng ở 2 tiểu khu trên cho UBND huyện Hướng Hóa quản lý. Từ đề xuất của UBND huyện Hướng Hóa, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị đồng ý chủ trương cho UBND huyện Hướng Hóa tổ chức khai thác, thanh lý diện tích rừng nhận bàn giao.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa đã tổ chức đấu giá gần 96ha/381,56ha có rừng. Khi các thủ tục hoàn tất, người đấu trúng đã tiến hành khai thác từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Ông Hồ Quốc Trung – Phó Phòng NNPTNT huyện Hướng Hóa cho biết, ông Phạm Văn Lương (trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trúng đấu giá và đang khai thác gần 96ha rừng ở tiểu khu 653 và 671. Quá trình khai thác, đơn vị trúng đấu giá chỉ được cưa cắt cây keo tràm và sao đen – là rừng trồng, còn các cây rừng tái sinh tự nhiên thì không được đụng chạm.
Để giám sát việc trên, một tổ quản lý được lập, trong đó Phòng NNPTNT huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa.
“Quá trình mới khai thác, một số cây rừng tái sinh nằm ở ngay trên đường vận chuyển bị đơn vị khai thác cưa cắt, chúng tôi đã nhắc nhở. Lâu lâu đi kiểm tra, thấy có đụng chạm cây rừng thì đã yêu cầu chấn chỉnh. Nếu cưa cắt cây rừng, vận chuyển ra ngoài thì cũng bị lực lượng kiểm lâm xử lý” – ông Hồ Quốc Trung, nói.
Trước thông tin do chúng tôi cung cấp, rằng rất nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên, đặc biệt là cây sau sau đã bị đốn hạ trong 2 tiểu khu và gỗ đã được vận chuyển ra khỏi cửa rừng, ông Hồ Quốc Trung nói rằng sẽ yêu cầu các lực lượng đi kiểm tra, rà soát rồi sẽ trả lời cụ thể.
Nhận xét
Đăng nhận xét