Dù đã bước vào giữa quý II, qua mùa cao điểm đặt hàng của nhiều ngành như đồ gỗ, dệt may, thị trường xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Đơn hàng khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp phải gồng mình xoay sở, tìm thị trường, khách hàng ngách mới có thể trụ lại.
*Khan hiếm đơn hàng
Thông thường, tháng 3 – 4 hàng năm là mùa cao điểm nhà mua hàng quốc tế trong ngành đồ gỗ, nội thất đi tour các hội chợ, triển lãm và tham quan nhà máy sản xuất để đặt hàng cho mùa mua sắm nửa cuối năm. Tuy nhiên, hiện tại đã bước qua tháng 5, đơn hàng gỗ vẫn rất khan hiếm, các khách hàng ở thị trường xuất khẩu truyền thống chưa có nhiều động thái “ăn hàng”. Khó khăn kéo dài hơn nửa năm khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công hoặc gồng lỗ để duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm sâu, do hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đều giảm cầu tiêu dùng. Dù đã vào giữa quý II nhưng số lượng đơn hàng vẫn rất khan hiếm, chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 40% công suất. Trong khi đó, nhà máy phải hoạt động đạt ít nhất 70% công suất thiết kế thì doanh nghiệp mới huề vốn và giữ được việc làm cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Liêm, đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng qua. Phần lớn doanh nghiệp hiện chỉ duy trì được 35-40% công suất nhà máy, phải bù lỗ nếu muốn duy trì sản xuất nên rất khó bảo toàn lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian cắt giảm giờ làm, ca làm vẫn không thể gồng được chi phí buộc phải cắt giảm dần nhân công, chờ tín hiệu đơn hàng mới.
Theo các doanh nghiệp, từ đầu năm 2023 hai thị trường xuất khẩu đồ gỗ, nội thất lớn của Việt Nam là Mỹ và EU hầu như không đặt hàng do ảnh hưởng của lạm phát, người dân chỉ ưu tiên chi tiêu cho sản phẩm thiết yếu như lương thực, năng lượng. Những đơn hàng doanh nghiệp nhận được đến nay chủ yếu là các đơn hàng nhỏ, số lượng ít và chỉ đủ sản xuất cầm chừng đến hết quý II, chưa có các đơn hàng cho nửa cuối năm.
Tương tự như ngành gỗ, doanh nghiệp dệt may cũng trong tình trạng có đâu làm đó khi sức tiêu thụ của thị trường quá thấp. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh thông tin, thị trường hàng dệt may hiện rất ảm đạm khi nhu cầu tiêu dùng tại EU đang giảm sâu, thị trường Mỹ chưa có tín hiệu phục hồi.
Trong khi đó, các thị trường khác ở khu vực châu Á cũng giảm dần khi lạm phát, suy thoái lan rộng. Trong quý I, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp giảm trung bình khoảng 20% so với năm 2022. Sang quý II, tình hình đơn hàng vẫn chưa được cải thiện.
Trước đây, doanh nghiệp cho ra mắt các bộ sưu tập thời trang theo kế hoạch và sản xuất đơn hàng theo mùa và thì nay phải tìm đơn hàng cho từng tháng, có đơn tới đâu làm tới đó, chịu áp lực về nguyên vật liệu trong ngắn hạn. Thậm chí, do không có đơn đặt hàng, doanh nghiệp sản xuất ra phải mang hàng đi ký gửi, khi nào nhà phân phối bán được hàng mới thanh toán nên dòng vốn xoay vòng rất chậm.
*Tìm hướng đi mới
Các chuyên gia dự báo, khó khăn trong xuất khẩu nhiều mặt hàng sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết quý II/2023, ngay cả nửa cuối năm có phục hồi cũng sẽ chậm. Do đó, các doanh nghiệp không thể ngồi chờ mà phải vận dụng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất để duy trì hoạt động.
Ông Phạm Văn Việt cho biết, dù các thị trường mới, thị trường ngách chưa thể bù đắp cho phần sụt giảm tại các thị trường chính nhưng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp dệt may phải kiên trì mới có thể trụ lại được. Không chỉ chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ, lẻ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi bằng cách tự mình đánh giá thị trường, quyết định các kế hoạch sản xuất ngắn hạn theo tháng thay vì theo quý, năm như trước đây.
Để tiếp cận được nhiều khách hàng nhất, Việt Thắng Jeam đã sử dụng các ứng dụng trực tuyến, thương mại điện tử để trao đổi, gửi mẫu tới khách hàng, giảm số lượng mẫu phải sản xuất thực tế vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, khách hàng cũng dễ dàng đánh giá và điều chỉnh mẫu hơn trước. Đội ngũ marketing của công ty cũng phải nhạy bén hơn trong việc nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng thời trang thế giới để đưa vào sản phẩm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đối với ngành gỗ, nhiều doanh nghiệp cho biết, mục tiêu lớn nhất trong nửa đầu năm 2023 là duy trì được hoạt động sản xuất của nhà máy ở mức huề vốn để giữ được càng nhiều lao động càng tốt.
Ông Nguyễn Liêm cho biết, để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại, cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết; đồng thời, tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động liên tục. Nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Canada, Nhật Bản, Trung Đông, Ấn Độ… nhằm bù đắp mức sụt giảm từ các thị trường chính Mỹ và EU.
Thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công trên một sản phẩm. Để tiết kiệm chi phí nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh về giá thành, cũng doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm khách hàng, thị trường HAWA cùng các hiệp hội chế biến gỗ lớn trên cả nước vẫn đang nỗ lực liên kết với nhau, kết nối mạng lưới tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia để cùng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, xây dựng thương hiệu...
Tuy nhiên, sau thời gian dài khó khăn, để doanh nghiệp có thêm động lực duy trì sản xuất, đón đầu cơ hội phục hồi của thị trường, Nhà nước cần có giải pháp cụ thể về giảm thuế, ưu đãi lãi suất để giảm bớt áp lực tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp. Đồng thời, HAWA cũng đề xuất Bộ Công Thương đầu tư vào nghiên cứu thị trường, tạo điều kiện để các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản, khoa học và hiệu quả hơn./.
Nhận xét
Đăng nhận xét