(CLO) Gỗ Trường Thành (TTF) trong Quý 1 thua lỗ ngay trong hoạt động kinh doanh chính, chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính. Khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp cũng tương đối lớn, hiện đã lên hơn 3.000 tỷ đồng.
Gỗ Trường Thành (TTF) Quý 1 kinh doanh giảm sút, chỉ thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã TTF) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 1 năm 2023 với ghi nhận doanh thu thuần giảm tới 38,3%, xuống chỉ còn 331,2 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán của công ty cũng đồng thời giảm theo khiến cho lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức 71,8 tỷ đồng, không biến động quá nhiều so với cùng kỳ.
Dù vậy thì kết quả kinh doanh Quý 1 của Gỗ Trường Thành vẫn cần phải xem xét bởi các chi phí trong kỳ vẫn đang là gánh nặng đè lên doanh thu của công ty.
Những chi phí ghi nhận bao gồm chi phí tài chính, chiếm 17,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng chiếm 33,9 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới hơn gấp đôi, từ 13,8 tỷ đồng lên tới 29,5 tỷ đồng.
Nếu xét lợi nhuận thuần đến từ hoạt động kinh doanh chính (không tính tới doanh thu từ hoạt động tài chính thì hiện tại, Gỗ Trường Thành đang lỗ 8,7 tỷ đồng. Nhờ có doanh thu từ hoạt động tài chính chiếm 10 tỷ đồng mà Gỗ Trường Thành mới có thể thoát lỗ trong Quý 1 năm nay.
783 tỷ đồng doanh thu mới chỉ nằm "trên giấy", nợ khó đòi của đối tác lên tới 441 tỷ, cao hơn cả vốn chủ sở hữu
Sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành còn có thể thấy được thông qua cơ cấu tài sản của đơn vị này.
Tính tới hết Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành lên tới 3.050,5 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm tới 1.990,4 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm nhẹ so với đầu năm, chỉ còn 140,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý đó là phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm tới 783,4 tỷ đồng. Đây là khoản doanh thu mới chỉ được ghi nhận "trên giấy" chứ công ty chưa thực sự nhận được tiền từ phía đối tác.
Hơn thế nữa, ghi nhận về dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, là phần doanh thu có thể không thu hồi được lại chiếm tới 441,3 tỷ đồng. Cần phải lưu ý rằng vốn chủ sở hữu của công ty tính tới hết tháng 3 chỉ có 429,4 tỷ đồng. Như vậy thì lượng dự phòng phải thu khó đòi với tính chất rủi ro lớn này thậm chí còn lớn hơn cả vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành.
Nợ ngắn hạn cao gấp 4 lần vốn chủ, lỗ lũy kế 3.073 tỷ đồng bào mòn gần hết vốn chủ sở hữu
Về cơ cấu nguồn vốn của Gỗ Trường Thành, có thể thấy rằng đơn vị này đang có một khoản nợ phải trả chiếm tỷ trọng vô cùng lớn, lên tới 2.621 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 85,9% tổng nguồn vốn hiện có của công ty.
Trong đó, phần nợ ngắn hạn với rủi ro lớn nhất chiếm khoảng 1.551,8 tỷ đồng, tức là cao gần gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3/2023. Nợ dài hạn của công ty chiếm 1.069,2 tỷ đồng, cũng cao hơn gấp đôi so với vốn chủ.
Sở dĩ có sự mất cân đối về nguồn vốn như vậy là bởi trong nhiều năm trở lại đây, Gỗ Trường Thành đã liên tục phải ghi nhận thua lỗ, có năm lên tới cả nghìn tỷ đồng.
3 năm ghi nhận thua lỗ nặng nhất của Gỗ Trường Thành phải kể đến là năm 2016, lỗ 1.295,6 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 804,7 tỷ đồng và năm 2019 cũng lỗ tới 1.002,6 tỷ đồng.
Những khoản lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng này đã tạo nên khoản lỗ lũy kế khổng lồ lên tới 3.073 tỷ đồng. Và cũng chính khoản lỗ lũy kế này đã bào mòn vốn chủ sở hữu của công ty khiến vốn chủ chỉ còn ghi nhận 429,4 tỷ đồng.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2013 thì năm có kết quả kinh doanh tốt nhất của Gỗ Trường Thành là năm 2015 với lợi nhuận sau thuế đạt 204,9 tỷ đồng.
Nếu làm một phép tính đơn giản thì có thể thấy rằng với khoản lỗ lũy kế lên tới 3.073 tỷ đồng nêu trên, và TTF phải liên tục đạt kết quả kinh doanh tốt nhất có thể như năm 2015 thì cũng phải tốn tới 15 năm TTF mới có thể bù đắp được khoản lỗ lũy kế khổng lồ này.
Du Uyên
Nhận xét
Đăng nhận xét