(HQ Online) - Hiện giá xuất khẩu viên nén đang giảm, giá nguyên liệu đầu vào sau một thời gian “sốt giả” cũng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lãi suất ngân hàng đang ở mức cao. Đối với các nhà máy đã hoặc đang trong quá trình hoàn thiện mà phải sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng hiện đang chịu sức ép rất lớn.
Hàn Quốc, Nhật Bản chuộng mua, xuất khẩu viên nén gỗ tăng gần 83% | |
EU, Nhật Bản tăng mua, xuất khẩu viên nén dễ "bỏ túi" 700 triệu USD |
Ngày càng nhiều DN tham gia sản xuất viên nén khiến giá xuất khẩu giảm dần qua các năm. Ảnh: N.Thanh |
Giá xuất khẩu đạt kỷ lục trong năm 2022
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu viên nén gỗ tăng mạnh trong năm 2022 với lượng xuất khẩu đạt trên 4,88 triệu tấn, tăng 39,35% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với năm 2021. Lượng và giá trị xuất khẩu hàng tháng trong năm 2022 hầu như tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
Đáng chú ý, giá viên nén xuất khẩu trung bình năm 2022 ở mức cao kỷ lục so trong 10 năm trở lại đây. Giá viên nén đã tăng liên tục kể từ tháng 1 và có dấu hiệu hơi chững lại trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9, bật tăng trở lại sau đó và đạt mức kỷ lục hơn 189 USD/tấn vào tháng 12/2022.
Về thị trường, hầu như toàn bộ viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2022 lượng viên nén xuất khẩu sang hai thị trường này chiếm lần lượt 97,5% tổng lượng và 96,7% tổng kim ngạch viên nén xuất khẩu của Việt Nam trong năm, và lượng xuất vào thị trường Nhật Bản đã có sự gia tăng đột biến so với năm 2021.
Dự báo tình hình thị trường đầu ra và sản xuất năm 2023, nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends cho biết, về cung – cầu, hiện Việt Nam là quốc gia cung ứng viên nén lớn thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ), bức tranh cung – cầu mặt hàng này trên thế giới sẽ tác động trực tiếp tới các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2023 lượng cung viên nén vào thị trường EU từ Mỹ và Canada có xu hướng mở rộng mạnh trở lại sau một thời gian khan hiếm nguồn cung do chiến tranh Nga – Ukraine và do cước vận chuyển hàng hải tăng cao. Nửa đầu 2022 các doanh nghiệp sản xuất khu vực Bắc Mỹ phải chuyển hướng luồng cung của mình từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sang cung cấp cho EU nhằm nắm bắt được lợi thế về giá cao từ EU. Nguồn cung từ Bắc Mỹ giảm mạnh tạo bắt buộc các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc phải tìm nguồn cung thay thế. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu tại đây. Bên cạnh đó, các bất ổn do chiến tranh và cước vận chuyển cao tạo ra tâm lý dự trữ hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến nay, lượng hàng tồn tại hai thị trường này ở mức cao. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có cơ hội mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2023.
Yêu cầu khắt khe hơn tại nhiều thị trường
Trái ngược với giá viên nén xuất khẩu trung bình năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây thì trong năm 2023, do nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn tại các thị trường, đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc cao đang tác động trực tiếp tới mức giá xuất khẩu. Hiện mức giá xuất khẩu viên nén từ Việt Nam đang có xu hướng giảm. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian tới mức giá xuất khẩu vào Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 110-120 USD/tấn và vào Nhật Bản còn 150-160 USD/tấn. Đây sẽ là mức giá giảm rất mạnh so với mức giá xuất khẩu hiện tại.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho lớn, nguồn cung dồi dào cũng cho phép các doanh tại Nhật Bản siết lại các tiêu chuẩn về chất lượng và bền vững. Năm 2022, khi lượng cung vào các thị trường này thiếu hụt, nhiều nhà nhập khẩu tại đây dưới sức ép về nguồn cung không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với kỳ vọng. Điều này tạo cơ hội cho nhiều nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam, với các sản phẩm hạn chế về chất lượng được tham gia thị trường. Tuy nhiên đến hiện tại, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang yêu cầu các nhà cung cấp từ Việt Nam chuẩn hóa về tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm cả các sản phẩm bền vững. Một số tàu hàng từ Việt Nam xuất vào Nhật đã bị trả lại vì không đáp ứng được các yêu cầu.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 tại EU đã hình thành kỳ vọng lớn cho ngành viên nén Việt Nam trong việc tiếp cận và mở rộng với thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng này. Tuy nhiên con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết năm 2022 kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trưởng này mới chỉ đạt dưới 15,2 triệu USD, tương đương 1,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam. Con số này cho thấy viên nén từ Việt Nam chưa thể chen chân vào thị trường và những kỳ vọng của ngành về thị trường này không thể trở thành hiện thực, ít nhất trong ngắn hạn. Lý do là bởi các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe EU đặt ra, bao gồm cả các yêu cầu về sản phẩm có chứng nhận bền vững mà rất ít doanh nghiệp từ Việt Nam có thể đáp ứng. Các tiêu chuẩn này là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu mở rộng đã tạo ra làn sóng đầu tư vào sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam, đặc biệt là từ nửa cuối cùng năm. Tuy nhiên, thị trường đã qua giai đoạn “sốt” với mức giá xuất khẩu đang giảm nhanh và điều này có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực rất lớn đặc biệt đối với các nhà máy mới hoặc đang được xây dựng. Theo thống kê không chính thức từ một số doanh nghiệp trong ngành, năm 2022 đã có khoảng 70 nhà máy sản xuất viên nén được được xây dựng.
Trong số 70 nhà máy này có khoảng 20 nhà máy lớn, sử dụng công nghệ EU; 50 nhà máy sử dụng công nghệ Việt Nam và Trung Quốc. Hiện giá xuất khẩu viên nén đang giảm, giá nguyên liệu đầu vào sau một thời gian “sốt giả” cũng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lãi suất ngân hàng đang ở mức cao. Đối với các nhà máy đã hoặc đang trong quá trình hoàn thiện mà phải sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng hiện đang chịu sức ép rất lớn. Các nhà máy không trường vốn, đặc biệt là các nhà máy có quy mô nhỏ, có thể có nguy cơ đóng cửa. Chính vì vậy, theo đánh giá của một số doanh nghiệp, năm 2023 có thể là một năm thanh lọc đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Xuân Thảo
Nhận xét
Đăng nhận xét