Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất chiếm gần 60% trong tổng kim ngạch toàn ngành, điểm đến của các sản phẩm này là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu và hàng tồn kho của thị trường này vẫn chưa cải thiện; do đó, trong ngắn hạn xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào Mỹ khó tăng trưởng.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, trong tháng 3/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng trước nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022. Trong đó, sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023 nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022.
Nửa đầu năm chỉ mong hoà vốn
Quý 1/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh (trừ mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ). Dẫn đầu xu hướng giảm là nhóm đồ gỗ nội thất, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 1,7 tỷ USD.
Theo đại diện Cục XNK, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất chiếm 56,5% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 11,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chính trong cơ cấu đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đều giảm mạnh về trị giá.
Nguyên nhân là do kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng khó khăn nên sức mua trên toàn cầu sụt giảm dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm theo, đặc biệt sự sụt giảm này đều rơi vào các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Do vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và có đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.
“Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay là hoà vốn và kỳ vọng đến quý 3 và 4 thị trường ấm lên, khi đó họ có sẵn lực lượng lao động để sản xuất”, Cục XNK nhận định.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ gỗ nội thất lớn nhất Hoa Kỳ
Theo Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong tháng 1/2023, đạt 681,5 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 37,7%, tăng 5,6 điểm % so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ nhập khẩu từ Việt Nam giảm chậm hơn so với các thị trường cung cấp chính khác như: Trung Quốc, Mexico, Indonesia…
Liên quan đến thị trường này, mới đây, Cục XNK lưu ý các doanh nghiệp gỗ rằng, thị phần đồ gỗ nội thất của Việt Nam gia tăng tại thị trường Hoa Kỳ, tất yếu sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức cao hơn về các vụ việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ.
Cùng với đó là hàng loạt những khó khăn doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt như chính sách tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định của chính quyền liên bang, đặc biệt trong vấn đề kiểm dịch, tiêu chuẩn lao động...
Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ. Do vậy, trong ngắn hạn xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ khó có khả năng tăng trưởng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Thanh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm là do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố, trước đây do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, bây giờ do yếu tố lạm phát và chiến tranh Nga - Ukraina, khiến các nhà nhập khẩu cảm thấy bất ổn nên xu hướng mua hàng để bán cũng giảm theo.
Mặt khác, lạm phát ở Mỹ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ giảm sâu là yếu tố chính tác động lên kim ngạch của toàn ngành hàng.
“Muốn biết nhu cầu đồ gỗ nội thất ở Hoa Kỳ tăng hay giảm hãy nhìn vào chỉ số bán nhà của nước này. Nếu thị trường nhà đất ở Mỹ tăng thì nhu cầu đồ gỗ trang trí nội thất sẽ tăng, nhưng hiện nay thị trường nhà của nước này đang giảm nên không có cơ sở nào để xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Hoa Kỳ tăng trưởng. So sánh với những kỳ khủng hoảng vào năm 1998-1999 hay 2008-2009 thì cuộc khủng hoảng lần này ngành đồ gỗ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét