Mục tiêu xuất khẩu lâm thủy sản đạt mốc 27,5 tỷ USD trong năm 2023 đang gặp nhiều thách thức khi sức mua của các thị trường lớn suy giảm mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đấy sản xuất, xuất khẩu lâm, thủy sản. |
Trước tác động không tích cực từ kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường lớn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta đã suy giảm mạnh trong quý I/2023.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản quý I chỉ đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022...
Trong đó, thủy sản quý I đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022; xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%.
Năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đặt ra; ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD, thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, là mức cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên gia nhập CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Thủy sản, lâm sản về đích với kết quả cao đã góp vào bức tranh xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trên 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại toàn ngành tăng 30%, đạt 8,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, áp lực xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong đó có lâm sản, thủy sản trong năm 2023 là cực lớn, khi các chỉ dấu không thuận lợi xuất hiện nhiều hơn. Các nhà nhập khẩu giảm mua hàng, dựng lên nhiều rào cản mới, yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu...
Với ngành lâm sản, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ không những suy giảm, mà đòi hỏi về nguyên liệu dùng để chế biến gỗ tại Mỹ, EU được thắt chặt hơn.
Về nguyên nhân khiến sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho tằng, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
"Với tình hình đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và mục tiêu xuất khẩu cả năm 2023", theo Viforest.
Lo ngại đà suy giảm của ngành nông nghiệp, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu lâm, thủy sản, sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến tín dụng cho sản xuất, nguyên liệu đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất những măt hàng thế giới cần...
Chuyển mạnh từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường là chỉ đạo mới nhất của người đứng đầu Chính phủ với ngành nông nghiệp.
Theo Thủ tướng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo: "Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.
Trước những khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp ngành gỗ và thủy sản vẫn chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với ngành gỗ là đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Dù vậy, để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, Viforest đề nghị được hỗ trợ thêm các chính sách về thuế, kinh phí xúc tiến thương mại...
"Đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, hiện Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm; đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính", theo Viforest
Đối với việc giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31). Đề nghị có cùng mức thuế suất là 0%, tương ứng như thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm viên nén khác. Đồng thời, có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng...
Nhận xét
Đăng nhận xét