Các sản phẩm từ dừa có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và dự báo trong năm 2023, giá trị xuất khẩu của ngành này có thể lên tới 1 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc họp giới thiệu Hội chợ quốc tế đồ gỗ, mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO 2023), diễn ra chiều 20/2, ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam - cho biết: Chỉ trong vòng 5 năm qua, ngành dừa Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 của châu Á. Hiện ngành đã phát triển khoảng 200 sản phẩm, trong đó có một số sản giá trị cao xuất khẩu được đến những thị trường khó tính như Phần Lan, qua đó đã khẳng định được thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Liên quan đến tình hình xuất khẩu dừa trong năm 2023, theo ông Cao Bá Đăng Khoa, hiện đơn hàng xuất khẩu dừa của doanh nghiệp rất khả quan, nhiều khả năng ngành này sẽ cán đích xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay.
Các sản phẩm từ dừa hiện được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới
Nhận thấy tiềm năng và cơ hội của ngành dừa, ông Khoa cho biết, Hiệp hội này đang phối hợp cùng nhiều ngành hàng, địa phương tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dừa. Trong đó, sự kiện Vifa Expo 2023 là hoạt động mở màn cho một loạt chương trình xúc tiến thương mại của ngành trong năm 2023. Mục đích của việc tổ chức này nhằm hướng đến một thị trường ngành gỗ sử dụng nguyên liệu bền vững từ cây trồng, trong đó có cây dừa, và thủ công mỹ nghệ từ dừa.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch sắp tới, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ xây dựng thêm các Hiệp hội dừa ở nhiều tỉnh/ thành phố trên cả nước. Ở mỗi tỉnh này, Hiệp hội sẽ do tỉnh thành lập và Hiệp hội Dừa Việt Nam là thành viên nhằm hỗ trợ cho các hội viên.
Mặc dù có tiềm năng lớn song ông Khoa cho biết hiện việc phát triển ngành này vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp và Hiệp hội đang phải từng bước xây dựng những bộ tiêu chuẩn riêng, quy tắc riêng cho dừa. Chẳng hạn bộ tiêu chuẩn cây giống, xác nhận về nguồn gốc xuất xứ gỗ dừa. Sở dĩ ngành này phải làm vậy vì hiện không có một khuôn mẫu nào để xác nhận sản phẩm gỗ dừa cho việc vận chuyển gỗ từ địa phương này tới địa phương khác.
Dẫn ví dụ, ông Khoa cho hay, khi khai thác gỗ dừa đưa từ Trà Vinh lên TP. Hồ Chí Minh sản xuất thì phải xác nhận đi đường. Song hiện gỗ dừa lại không nằm trong nhóm ngành nào nên mua với giá thấp. “Ngay cả về cây giống cũng vậy. Chúng tôi đã phải làm việc với Cục trồng trọt để cấp chứng nhận lưu hành cho cây giống ở từng tỉnh”- ông Khoa chia sẻ.
Mai Ca
Nhận xét
Đăng nhận xét