Sau khi Báo điện tử Dân Việt lật tẩy thủ đoạn phá rừng, vận chuyển gỗ quý trái phép qua xe chuyển phát nhanh, các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng vào cuộc và bắt giữ các đối tượng liên quan. Chuyên gia pháp lý cũng đã bình luận về vụ việc này.
2 đối tượng bị bắt, thu giữ nhiều tấn gỗ
Liên quan đến loạt bài điều tra: "Thủ đoạn vận chuyển gỗ quý trái phép qua đường bưu chính" mà Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã ngay lập tức chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc điều tra, xử lý.
Mới đây, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) cũng có văn bản số 109 gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu đề nghị tổ chức kiểm tra, xác minh phản ánh của Báo điện tử Dân Việt về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản có dấu hiệu trái pháp luật tại huyện Sìn Hồ. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát những khu vực rừng nguy cơ cao bị xâm hại để có giải pháp quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, không để phát sinh thành điểm nóng.
Trước đó, sau khi tiếp nhận tin báo của Báo điện tử Dân Việt, Ban Giám đốc công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo lực lượng liên quan vào cuộc điều tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Công an huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương xác minh thông tin và xác định 2 đối tượng thường xuyên thu gom các loại gỗ trôi nổi trên địa bàn, sau đó chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ và bán lấy tiền.
Cụ thể: Đào Đăng Nghĩa (41 tuổi) và Vũ Duy Biên (35 tuổi) cùng trú tại khu phố 3, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Tiến hành kiểm tra tại các cơ sở của 2 đối tượng trên, các lực lượng chức năng phát hiện nhiều vật chứng là các khúc gỗ thuộc nhóm quý, hiếm với khối lượng lớn.
Đến nay, cả 2 chủ xưởng gỗ mà Báo điện tử Dân Việt phản ánh đã bị khởi tố, bắt tạm tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo khoản 1 Điều 232, Bộ luật hình sự 2015.
Tội phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, qua phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã vào cuộc và phát hiện hành vi của một số đối tượng có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định tại khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo luật sư Đồng, vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được hiểu là hành vi khai thác trái phép cây rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép hoặc có hành vi khác trong khai thác và bảo vệ rừng trái với quy định của pháp luật.
Hành vi phạm tội xâm phạm đến chế độ quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước. Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Tức là biết trước hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn mong muốn thực hiện.
Trong khi đó, khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi dưới đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Các hành vi cụ thể như, khai thác cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trong trường hợp pháp luật quy định việc khai thác đó chỉ được thực hiện khi đã được cấp giấy phép và giấy phép còn trong thời hạn.
Khai thác cây rừng ngoài khu vực cho phép hoặc khai thác cây rừng không có dấu búa bài cây (bài chặt) trong các trường hợp theo quy định của pháp luật phải có dấu búa bài cây (bài chặt). Khai thác cây rừng vượt quá giới hạn cho phép (phần vượt quá khối lượng).
Khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép từ hai loại gỗ trở lên (gỗ thông thường nhóm I-III với gỗ thông thường nhóm IV-VIII; gỗ thông thường với gỗ quý, hiếm nhóm IIA) mà khối lượng của mỗi loại gỗ chưa vượt quá mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tổng khối lượng gỗ trong vụ vi phạm đó vượt mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với gỗ thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII quy định cho hành vi tương ứng đó.
Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 12,5 m3 đến dưới 25 m3 gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA.
Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 15 m3 đến dưới 30 m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 m3 đến dưới 20 m3 gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA.
Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 15 m3 đến dưới 30 m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 5 m3 đến dưới 10 m3 gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…
Từ bình luận trên, vị luật sư cho biết, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015, người phạm tội sẽ phải đối diện với hình phạt là phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Hình phạt được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội Vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" –luật sư Đồng thông tin.
Sau nhiều tháng điều tra, PV Báo điện tử Dân Việt đã phát hiện nhiều chủ xưởng gỗ ở thị trấn Sìn Hồ có dấu hiệu mua bán gỗ quý trái phép.
Sau đó dùng hồ sơ đấu giá gỗ để hợp thức hóa, gỗ được chế tác và rao bán trên mạng xã hội, người mua chỉ cần "nổ" địa chỉ là gỗ được gửi qua xe bưu chính, xe thư báo đến tận tay người tiêu dùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét